Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2025 lĩnh vực vật lý Việt Nam xếp nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN

(VOH) - Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển vật lý giai đoạn 2021-2025.

Chương trình đặt mục tiêu đến năm 2025 lĩnh vực vật lý nước ta được xếp vào nhóm 5 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN theo xếp hạng của SCOPUS.

Mục tiêu của Chương trình nhằm nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ của Việt Nam trong lĩnh vực vật lý, kết hợp đào tạo chất lượng cao với nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng. Gắn kết nghiên cứu lý thuyết với nghiên cứu thực nghiệm và nghiên cứu ứng dụng.

Năm 2025 lĩnh vực vật lý Việt Nam xếp nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN

Nghiên cứu khoa học tại Viện Công nghệ Nano - Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: SGGP

Nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên vật lý các trường đại học trong cả nước, thu hút và đào tạo các nhà vật lý trẻ tuổi tài năng. Đến năm 2025 tỉ lệ giảng viên vật lý có bằng tiến sĩ ở khoa vật lý của các trường đại học trọng điểm đạt trên 50%.

Đồng thời, nâng cao vị thế của lĩnh vực vật lý của Việt Nam trên thế giới, phấn đấu đến năm 2025 lĩnh vực vật lý nước ta được xếp vào nhóm 5 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN theo xếp hạng của SCOPUS và tăng số công trình công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín (thuộc danh mục ISI/SCOPUS) bình quân đạt 30%/năm.

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Để đạt được những mục tiêu trên, Nhà nước đặt hàng xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia trong lĩnh vực vật lý có định hướng ứng dụng, đa ngành, liên ngành, gắn với một số công nghệ chủ chốt của công nghiệp 4.0.

Đồng thời, khuyến khích giảng viên vật lý ở các trường đại học đẩy mạnh công tác nghiên cứu. Xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu cho các giảng viên trẻ môn vật lý trong các trường đại học. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên khối chuyên vật lý ở phổ thông.

Đẩy mạnh đào tạo sinh viên, thạc sĩ, tiến sĩ ngành vật lý; có chính sách học bổng cho học sinh, sinh viên giỏi vật lý, các học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế.

Đầu tư xây dựng, nâng cấp một số phòng thí nghiệm vật lý ở các trường đại học và viện nghiên cứu có đào tạo sau đại học ngành vật lý. Xây dựng và xuất bản các giáo trình đào tạo học sinh chuyên vật lý, xây dựng chương trình, giáo trình giảng dạy vật lý đạt trình độ tiên tiến trên thế giới cho các trường đại học.

Tăng cường hợp tác quốc tế để phát triển ngành vật lý; nâng cao chất lượng, gia tăng số lượng các tạp chí chuyên ngành vật lý của Việt Nam trong danh mục ISI/SCOPUS; tăng cường công tác thông tin, truyền thông cho lĩnh vực vật lý.

Cùng với đó là khuyến khích các nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học quốc tế tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo ngành vật lý.

N.T 

Bình luận