Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 vượt khá cao so với dự toán (tăng 28,6%), tăng 201,4 ngàn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội vào tháng 10 năm 2022.
Trong đó 3 khoản thu chủ yếu của NSNN là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.
Nhưng công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2022 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2023 cũng như nhiều năm gần đây chưa sát thực tiễn, có sự chênh lệch rất lớn giữa số báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ tư và số đánh giá bổ sung.
Nhiều khoản thu tăng rất cao, có khoản khi báo cáo Quốc hội cơ bản đạt dự toán, nhưng khi đánh giá lại, vượt dự toán khá cao.
Tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm, làm ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách tài chính và xây dựng dự toán năm 2023. Do vậy, đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng xây dựng dự toán thu NSNN hằng năm.
Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc giải ngân đầu tư phát triển năm 2022 ước đạt 93,42% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó bao gồm cả giải ngân kế hoạch vốn địa phương giao; nếu loại trừ khoản chi này, tỷ lệ giải ngân sẽ thấp hơn số Chính phủ báo cáo.
Do đó, đề nghị Chính phủ rà soát để phản ánh đúng thực tế, vì số kế hoạch được địa phương giao thêm không nằm trong kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đối với tình hình phân bổ và giao dự toán NSNN năm 2023, đến hết tháng 4/2023, có 50/52 bộ, cơ quan trung ương có báo cáo gửi Bộ Tài chính với tổng vốn đầu tư phát triển đã phân bổ chi tiết đạt 94,29%.
Số vốn kế hoạch chưa phân bổ chi tiết còn lại của 25 bộ, cơ quan trung ương là 11,09 ngàn tỷ đồng. Về kinh phí thường xuyên, các bộ, cơ quan trung ương chưa phân bổ là 1,1 ngàn tỷ đồng
Hiện còn 6,4 ngàn tỷ đồng dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa thống nhất phân bổ do chưa đủ hồ sơ, thuyết minh căn cứ phân bổ.