Theo đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn Bắc Ninh, năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Năm 2022, có Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 của Chính phủ với các cái gói hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách và mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong vòng có hơn 1 năm, đã có 3 gói hỗ trợ dành cho người thụ hưởng chính là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, của Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Vân cho biết, hai gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 và Nghị quyết 11 - hiện giải ngân rất thấp, gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được gần 1% và 15.000 tỷ đồng thì được trên 34%. Chính phủ lại giao tiếp gói 120.000 tỷ đồng, trong đó đối tượng và thời gian kết thúc của 3 gói tín dụng này thì đang trùng lắp nhau và đều kết thúc vào cuối năm 2023.
Vấn đề đặt ra là, 2 gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ đồng có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở đang được sửa đổi và quy hoạch chưa phê duyệt xong.
Trước bất cập trên, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành 1 và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, như vậy mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.
Xem thêm: Quốc hội thông qua gói hỗ trợ lớn nhất lịch sử, nỗ lực giảm thuế, giảm lãi suất
Đại biểu Hoàng Đức Thắng - Đoàn Quảng Trị, băn khoăn khi tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng chậm, hoạt động sản xuất kinh doanh đang rất khó khăn.
Theo ông, một trong những nguyên nhân là lãi suất cho doanh nghiệp vay vẫn còn ở mức cao hoặc tiếp cận với lãi suất thấp thì thủ tục còn nhiều rườm rà nên doanh nghiệp có tiếp cận với nguồn vốn để phục hồi, phát triển sản xuất. Vì vậy, Chính phủ cần rà soát những vướng mắc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Theo đại biểu Hoàng Đức Thắng, doanh nghiệp được ví như xương sống của nền kinh tế. Doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy, phát triển doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải sống thật khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh.
Trước tiên, cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức; hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp. Bên cạnh đó là khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng khẳng định, khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.