Ngày về trên dòng sông Thạch Hãn (Kỳ 1) : Nơi ngục tối là nơi sáng nhất

(VOH) - Điều gì đã soi đường dẫn lối cho những chiến sĩ trong ngục tù vượt qua bao đòn roi, nhục hình, thủ đoạn của kẻ thù giữ vững tấm lòng kiên trung với Đảng, với nhân dân, với đồng chí, đồng đội ?

Trong Hiệp định Paris đã ghi rõ: “Việc trao trả nhân viên quân sự và nhân viên dân sự Việt Nam bị bắt và giam giữ ở miền Nam Việt Nam giải quyết trên nguyên tắc Điều 21 (b) của Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954 và phải trao trả trong vòng 90 ngày sau khi lệnh ngưng bắn có hiệu lực”. Cơ sở pháp lý đã rõ ràng vậy nhưng Mỹ Ngụy vẫn tỏ ra hết sức ngoan cố, bằng mọi cách ém giấu tù nhân hòng trốn tránh trao trả, nhất là đối với tù chính trị.

Ở nhà tù Côn Đảo, Phú Quốc và nhiều nhà tù trên khắp miền Nam, chúng ra sức đàn áp, xé lẻ tù nhân để gạn lọc, đánh tráo hoặc chuyển thành tù án bằng các tội danh gán ghép như “gian nhân nhập đảng, phá rối trị an...”. Mặc dù vậy, tù nhân ở các nhà lao vẫn nắm được nội dung của Hiệp định Paris và quyết liệt đấu tranh đòi địch phải chấp hành các điều khoản trong Hiệp định. Cùng với sự đấu tranh kiên quyết của phái đoàn ta tại hội nghị bốn bên, phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước và dư luận quốc tế đã buộc địch phải chấp nhận trao trả.

Dù phải chịu đựng tra tấn cực hình tàn ác của bọn cai ngục, nhưng các cán bộ, chiến sĩ tù chính trị tại Côn Đảo - tù binh tại Phú Quốc và các nhà tù khác vẫn trung thành tuyệt đối với cách mạng, với Tổ quốc "không bao giờ phản bội, xưng khai", đoàn kết đấu tranh vạch mặt quân thù, bảo vệ lẽ phải, giành lại tư thế hiên ngang của đội quân chiến thắng trở về.

ông Hoàng Kim Phùng

Với 6.780 ngày bị giam cầm khắp các chuồng cọp, xà lim tại Côn Đảo, ông Hoàng Kim Phùng đã không còn đủ nhớ đã bao nhiêu lần bị tra tấn dã man nhưng tấm lòng ông vẫn sắt son một mực với Đảng, với dân. 

Dù đã bước sang tuổi 94 nhưng người cựu chiến binh đặc biệt Hoàng Kim Phùng vẫn còn minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời hoạt động của mình, trong đó đặc biệt là khoảng thời gian 18 năm 10 tháng bị giam cầm và tra tấn dã man trong nhà tù Côn Đảo.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà cấp 4 tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị, ông Hoàng Kim Phùng lật từng trang bút ký do chính ông ghi lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình lưu lại cho con cháu sau này. Ông có tâm nguyện không phát hành rộng rãi và cũng không thích lên báo đài, vì cho rằng mình chỉ là một hạt cát nhỏ trên Côn Đảo năm xưa và may mắn còn sống, trong khi nhiều đồng chí, đồng đội đã nằm xuống.

Với 6.780 ngày bị giam cầm khắp các chuồng cọp, xà lim tại Côn Đảo, ông Hoàng Kim Phùng đã không nhớ nỗi đã bao nhiêu lần bị tra tấn dã man từ thể xác đến tinh thần. Nhưng điều mà ông nhớ nhất là không lần nào bọn chúng khai thác được thông tin gì từ ông ngay cả khi chúng đóng đinh vào 8 ngón tay của ông.

Địch đã dùng rất nhiêu chiêu thức khác nhau từ dụ dỗ, hứa hẹn và đương nhiên là cả tra tấn với mong muốn lấy được thông tin từ ông, vì chúng biết ông trước khi bị bắt làm công tác tuyên huấn rất quan trọng tại Quảng Trị lúc bấy giờ. Dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng những vết thương trên thân thể ông vẫn còn đó, như minh chứng cho sự kiên trung của người chiến sĩ cách mạng với hơn 70 năm tuổi Đảng này.

“Cứ luôn nghĩ nhân dân, Đảng còn chờ chúng ta về. Đứng ở đây là thế của người cách mạng không được yếu thế, phải đối đầu. Đau thì có đau, cứ do đối phó từng câu, từng ý của nó mà quên đi”. ông Hoàng Kim Phùng nói.

Trong số hàng ngàn lần bị tra tấn, ông nhớ như in đêm 19/12/1962, lúc đó Tỉnh trưởng gọi ông lên và bảo : “Ông nên khai đi, tôi biết ông làm tuyên huấn cho Đảng Cộng sản Việt Nam”. Khi đó ông liền trả lời: “Nếu ông biết thì hỏi tôi làm gì. Mà tôi có làm gì thì cũng chỉ để đấu tranh cho dân tộc tôi!”.

Tưởng chừng như câu trả lời ấy ngay lập tức sẽ bị bọn chúng đưa ông đi hành hình. Nhưng không, vì thế mà ngược lại chúng còn nhẹ nhàng hơn vì hy vọng sẽ làm lay chuyển được ông về sau này. Thế nhưng tất cả không như địch mong muốn, mà ngược lại sau sự kiện đó, ông Hoàng Kim Phùng cùng với các đồng chí của mình trong nhà tù âm thầm sinh hoạt Đảng thường xuyên để thông tin với nhau về tình hình cách mạng bên ngoài, đồng thời động viên nhau giữ vững khí phách của người Đảng viên và không ngừng đấu tranh.

Mình là con nhà họ Lê, tức là của chi bộ Lê Hồng Phong. Tiếp tục chiến đấu không khuất phục. Hồi đó sinh hoạt Đảng bằng cách đánh mọt truyền tín hiệu. Sau khi đồng chí bí thư chi bộ hy sinh, tôi chủ trì chi bộ Lê Hồng Phong.” - ông Hoàng Kim Phùng nói.

kỷ vật

Chiếc khăn thấm máu của ông lúc ở nhà tù Côn Đảo – kỷ vật đang được trưng bày giúp cho thế hệ sau thêm hiểu về những năm tháng chiến tranh khốc liệt của những người đảng viên kiên trung.

Ông Hoàng Kim Phùng cho biết, Chi bộ Lê Hồng Phong tại nhà tù Côn Đảo ra đời ngày 1/5/1962 và do ông chủ trì, phụ trách suốt 12 năm, với mong muốn anh em trong tù phát huy tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của đồng chí Lê Hồng Phong dù hy sinh những vẫn trung thành tuyệt đối với Đảng, nhân dân. Quả thật tinh thần ấy đã được ông Hoàng Kim Phùng cùng với các đồng chí của mình phát huy mãi cho đến ngày giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước.

Dù trong suốt thời duy trì sinh hoạt chi bộ trong nhà tù Côn Đảo gặp muôn vàn khó khăn và chủ yếu chỉ trao đổi với nhau bằng “mật hiệu, ám hiệu, tiếng gõ vào tường…” và đã có không ít đảng viên phải hy sinh tại đó để bảo vệ bí mật cho chi bộ tiếp tục được duy trì cho đến ngày 30/4/1975.

“Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” đã trở thành câu khẩu hiệu nằm lòng của biết bao thế hệ chiến sĩ cộng sản trên con đường đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, sức khỏe của những chiến sĩ bị địch bắt, tù đày giảm sút nhanh chóng, bệnh tình ngày một trầm trọng, nhiều đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng khi tuổi đời còn rất trẻ.

Đối với những người còn sống, may mắn thoát khỏi “địa ngục trần gian” Phú Quốc, Côn Đảo, ký ức về những ngày tháng tù đày quả thật vừa đau thương, vừa hào hùng, nhưng cũng là minh chứng rõ nét nhất cho khí phách của người cộng sản.

Nơi ngục tối tưởng chừng như vô vọng lại là nơi sáng nhất, bởi trong tim mỗi chiến sĩ luôn có ánh sáng lý tưởng của Đảng, Bác Hồ soi đường dẫn lối, với một niềm tin tất thắng về tương lai của dân tộc.

>>>> Kỳ 2:  Sắt son trọn một lời thề