“Ngồi trong đây viết thư cho con rồi gửi ra, cũng là để con biết tự viết thư cho mẹ, nó hỏi mẹ ở đó như thế nào, mẹ có thoải mái không? chị nói là mẹ, mẹ nhớ con, mẹ nhớ bố, nhớ những lúc con quan tâm đến mẹ…”. Một người khác tại Trung tâm cách ly quận 2 có con nhỏ cho biết em bé hơi khó khăn trong việc ăn uống nhưng chị được Trung tâm tạo điều kiện nấu ăn cho bé trong phòng cách ly 2 mẹ con, sau mấy ngày ở đây chị và bé đã thấy ổn.
Đọc sách, học ngoại ngữ, viết thư cho con, vui chơi với con, nấu ăn cho con… là những việc chúng tôi được quan sát từ người cách ly tại Khu cách ly trung tâm quận 2 thực hiện.
14 ngày tạm rời công việc và những tất bật, họ đang thực hiện cách ly lây nhiễm Covid-19 khi từ vùng dịch trở về. Giờ là lúc họ thực hiện những việc ngày thường không có nhiều thời gian để làm. Điều quan trọng hơn cả, để được theo dõi sức khỏe của mình và được hỗ trợ kịp thời nếu có vấn đề gì phát sinh.
Quy trình cách ly người từ vùng dịch Covid-19 về được thực hiện chỉn chu nhằm ngăn chặn nguồn lây ra cộng đồng (nếu có). Anh Lê Thức, chuyên viên phòng y tế quận 2 cho biết quy trình bắt đầu bằng việc sàng lọc trước với người nhập cảnh. Khi nắm được thông tin, người nhập cảnh được đưa về Khu cách ly, được thăm khám lại lần nữa, sàng lọc lại lần nữa. Nếu người nhập cảnh đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển về địa phương thực hiện cách ly tại nhà, trường hợp khác cách ly tại đây. Hiện tại, việc ăn uống và sinh hoạt của người cách ly do Khu cách ly hỗ trợ, người cách ly được một số đồ dùng cá nhân như phát chăn, gối, bàn chải đánh răng… Hàng ngày cung cấp 3 suất ăn. Những người cách ly ở đây cho biết họ cảm thấy thoải mái.
Trong khu cách ly, mỗi người sinh hoạt riêng một phòng hoặc sinh hoạt riêng trong một khu vực được quy định và cách xa nhau để tránh nguy cơ có thể lây nhiễm chéo.
Bác sĩ Phạm Đức Công, đang làm việc tại Khu cách ly Trung tâm quận 2 cho biết “việc làm công tác tâm lý cho người vào cách ly rất quan trọng để người cách ly có thể tuân thủ các quy định. Khi đã giải thích về sự lây lan của virus và việc thực hiện đúng quy định cách ly thì người ta cũng hiểu những quy định đó để giảm thiểu khả năng lây lan bệnh nên sau mấy ngày ở đây, họ có cảm giác an tâm hơn. Có những người đồng ý cách ly vui vẻ nhưng cũng có người thái độ không được như vậy”.
Một ca trực của bác sĩ Phạm Đức Công và nhiều đồng sự khác kéo dài đến 24 giờ. Công việc mỗi ngày các bác sĩ phải thực hiện là sàng lọc những người từ vùng dịch Covid-19 sau khi họ xuống sân bay và được chuyển về Trung tâm cách ly, rồi lần lượt thăm khám người cách ly mỗi ngày ít nhất 2 lần, theo dõi nhiệt độ thường xuyên và các dấu hiệu viêm đường hô hấp nếu có. Bác sĩ Công cho biết khó khăn nhiều nhất là giao tiếp với một số người nước ngoài như người Hàn Quốc, họ giao tiếp bằng tiếng Hàn Quốc và không biết tiếng Anh. Bản thân phải “cách ly” với gia đình khi làm việc tại đây, cũng có lúc lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh nhưng bác sĩ Công chia sẻ, đó là trách nhiệm với công việc, với cộng đồng và anh thấy vui vì điều đó.
Những ngày này, “cách ly” là từ khóa chúng ta nghe nhiều, nói nhiều. Đó là việc chẳng đặng đừng để chống dịch bệnh Covid-19 lây lan. Nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta bảo vệ sức khỏe bản thân và những người khác nếu có nguy cơ mắc NCoV. Tại Trung tâm Cách ly quận 2 cũng như nhiều nơi cách ly và điều trị khác, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế không quản ngại sức khỏe và sự an toàn của bản thân, để công tác phòng dịch ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn.
TPHCM: Nghiên cứu quy chế xử phạt với người không đeo khẩu trang nơi công cộng: Chiều 23/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp giao ban trực tuyến về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.