Nghệ thuật truyền thống với bài toán kế thừa

(VOH) - Trong 10 năm trở lại đây, ngành nghệ thuật truyền thống phải đối mặt với không ít khó khăn. Một trong những khó khăn lớn hiện nay mà ngành đang đau đầu là bồi dưỡng và đào tạo lực lượng nghệ sĩ kế thừa. Lớp nghệ sĩ gạo cội ngày một già đi nhưng tài năng trẻ thì ngày một khan hiếm. Làm sao để đào tạo được thế hệ nghệ sĩ kề thừa vừa tài năng, vừa tâm huyết với nghề là bài toán mà tất cả những ai đang hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật truyền thống đang lo nghĩ.
Các diễn viên trẻ trong nhóm Ánh Dương - Bạch Long đang diễn vở cải lương thiếu nhi Na Tra đại náo thủy cung. Ảnh: PLO

Dù được hỗ trợ đến 70% học phí cùng nhiều khoản khác khi học tại các khoa nghệ thuật truyền thống nhưng vẫn không thu hút được nhiều thí sinh. Bình quân mỗi năm các trường chỉ tuyển được khiêm tốn từ 15 đến 20 em, nhiều năm số hồ sơ đăng ký dự thi còn chưa đủ chỉ tiêu đầu vào. Đơn cử như hai trường nghệ thuật lớn nhất cả nước là trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM và Hà Nội. Trong 3 năm liên tiếp, họ chỉ đào tạo được gần 80 diễn viên và trên dưới 20 nhạc công. Câu chuyện còn chưa dừng lại ở đó, nhiều thí sinh sau khi vào trường vì phải vật lộn với bài toàn mưu sinh bỏ dở việc học giữa chừng, hoặc trở thành những “trái chín ép” muốn nổi tiếng nhanh nhờ vào các cuộc thi chứ không đủ kiên nhẫn với giáo trình từ 3 đến 5 năm. Thạc sĩ – đạo diễn Lê Nguyên Đạt – Trưởng Khoa âm nhạc dân tộc trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM bày tỏ sự lo ngại với tình hình hiện tại. Nếu không có những kế hoạch, phương hướng cụ thể thì không hiểu là trong 10 năm tới ngành nghệ thuật truyền thống sẽ ra sao: "Nói chung, gần đây rất hiếm hoi các bạn trẻ lựa chọn ngành này để theo học, do đó, chúng tôi kết hợp với các Sở Văn hóa Thông tin và các trường để vận động đưa các sinh viên, thí sinh lên dự tuyển và học, đó là giải pháp tạm thời. Tôi nghĩ là về sau, ngành sẽ còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế hơn nữa với số thí sinh dự tuyển đầu vào".

Ở lĩnh vực sân khấu tuồng, hiện tại cả nước có 7 đơn vị nghệ thuật lớn, đa phần là đào tạo tại chỗ theo phương thức nghề truyền nghề. Nguyên nhân trong nhiều năm liên tiếp, việc tuyển sinh tại các trường nghệ thuật hầu như không có thí sinh đăng ký. Thỉnh thoảng họ cũng gửi một vài gương mặt thật sự tài năng đi học ở các trường, nhưng nhiều em sau khi tốt nghiệp hoặc vì một lý do gì đó không theo nghề, hoặc không về đoàn mà chọn hướng hát tự do. Không có hợp đồng ràng buộc nên cũng đành chịu. Ông Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng đoàn nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa bày tỏ: "Vấn đề đào tạo đội ngũ kế thừa cho sân khấu nói chung và sân khấu tuồng nói riêng chưa được xem trọng. Các em có tài năng, có năng khiếu cũng bỏ nghề do nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do các chế độ đãi ngộ nhân tài hiện vẫn chưa có hoặc rất chậm".

Ông Nguyễn Gia Thiện – Phó Giám đốc nhà hát tuồng Đào Tấn – những đơn vị nghệ thuật tuồng cũng cho biết: "Hiện nay, do cơ chế nên mức lương, mức bồi dưỡng cho các nghệ sĩ nói chung là rất thấp, khởi điểm chỉ từ 1,8 triệu đến 2,2 triệu, do đó, chúng tôi rất băn khoăn. Nếu có một cơ chế tốt hơn thì tôi nghĩ ngành hát tuồng ở đây sẽ khởi sắc hơn".

Miền Tây, mảnh đất màu mỡ của cải lương nhưng các đơn vị cũng phải chật vật để tìm tài năng trẻ. Đơn cử như đoàn cải lương Cao Văn Lầu – Bạc Liêu dù nổi tiếng là nơi đào tạo ra nhiều ngôi sao sân khấu với phương thức đào tạo tại chỗ, tuy nhiên theo NSƯT Khưu Minh Chiến – Trưởng đoàn, thì để tìm được những em có năng khiếu thật sự ông cùng ban tuyển sinh phải lặn lội nhiều nơi để tìm kiếm, phải thuyết phục gia đình và đảm bảo một phần kinh tế cho gia đình các em thì các em mới chịu đầu quân vào đoàn. Nhưng đầu tư 10 thì chỉ có độ 5 em theo nghề vì nhiều nguyên nhân khách quan. Ông Khưu Minh Chiến chia sẻ : "Tìm kiếm được một tài năng trẻ để đào tạo là vô cùng khó khăn, chúng tôi luôn tạo điều kiện cho các em như vay tiền ngân hàng để giữ các em lại. Khi các em đã vào thì tất cả đều nhờ sự hỗ trợ của nhà nước vì đoàn thuộc sở hữu nhà nước nên cũng không có thêm doanh thu nào khác".

Đào tạo là một chuyện nhưng giữ chân lại là một bài toán khó hơn. Khi các sân khấu đang hoạt động cầm chừng, không có nhiều chế độ đãi ngộ, trong khi chạy show bên ngoài thì  thù lao cao hơn rất nhiều. Đó là chưa kể các nghệ sĩ trẻ, còn non kinh nghiệm, không có được cơ hội diễn nhiều vai chính, chủ yếu là diễn dàn bao. Các em phần lớn diễn theo hợp đồng từ 6 tháng đến một năm chứ không thuộc dạng biên chế. Vì lớp nghệ sĩ đi trước vẫn còn trong độ tuổi thì các em phải chờ và chờ.

Mỗi dân tộc đều tự hào với những giá trị riêng của nghệ thuật truyền thống và với con người Việt Nam, đâu đó sâu thẳm trong tâm hồn họ, dân ca, cải lương, tuồng luôn có một vị trí nhât định. Vậy thì giữ gìn kế thừa là chuyện hiển nhiên phải làm ! Thời gian qua, chúng ta có cố gắng đào tạo đội ngũ kế thừa nhưng vẫn chưa đủ. Thiết nghĩ, phải có những chính sách đãi ngộ thật hợp lý, phải hoạch định tương lai cho các em từ khi còn là sinh viên để các em an tâm học tập. Sau khi tốt nghiệp phải tạo những cơ hội tốt nhất để các nghệ sĩ trẻ được làm nghề, được cống hiến, được sáng tạo với những gì họ đã được học. Không thể hoang phí tài năng, công sức của cả một tập thể trong quá trình đào tạo suốt ba, bốn năm. Đứng từ góc độ quản lý – ông Phạm Đình Thắng – Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn bày tỏ: "Những năm vừa qua, những cơ chế chính sách cho các anh em nghệ sĩ, diễn viên còn nhiều bất cập. Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đang dự thảo xây dựng sửa đổi Nghị định 180 về chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn và sửa đổi chế độ nhuận bút, đồng thời chúng tôi phối hợp với các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nội vụ cũng đang xây dựng lại thang bảng lương và chế độ nâng cấp tay nghề cho các nghệ sĩ để phù hợp với cuộc sống hiện tại".

Nghệ thuật truyền thống lúc nào cũng mang một nét đẹp rất riêng, đó là hồn cốt, tinh hoa dân tộc. Chúng ta tự hào với những giá trị ấy nên hơn ai hết, là thế hệ đi sau, chúng ta cần ra sức kế thừa và giữ gìn. Bài toán kế thừa phải cần sự chung tay của tất cả những ai làm nghề, mà nhất là những nhà quản lý. Nếu được tin tưởng, lại có sự đầu tư, đãi ngộ, có cơ hội thật sự, tin rằng mỗi nghệ sĩ trẻ sẽ biết nắm bắt và sẽ làm hết sức mình để được sống, được làm nghề và gìn giữ vốn ngọc quý của cha ông./.

Bình luận