Nghị quyết 54 phát huy hiệu quả, kinh tế TPHCM liên tục tăng trưởng cao

(VOH) - Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 về chính sách đặc thù phát triển TPHCM, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sau 05 năm triển khai vào sáng nay 21/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 54, TPHCM đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015.

Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, Quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Kỳ họp thứ 4
Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 sau 05 triển khai tại Kỳ họp thứ 4

Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM có hiệu lực từ tháng 1/2018 đến hết năm 2022, trao một số cơ chế đặc thù cho Thành phố với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực: đất đai; đầu tư; tài chính - ngân sách nhà nước; cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức.

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015). Với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.

Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TPHCM chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố…

Về chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về quy định chi thu nhập tăng thêm cho CBCCVC thuộc khu vực quản lý Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do Thành phố quản lý.

Theo đó, kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của Thành phố năm 2018 là 2.816 tỷ đồng; năm 2019 là 7.637 tỷ đồng; năm 2020 là 4.265 tỷ đồng; năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Thành phố, cơ chế này tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng Thành phố cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng "chảy máu chất xám", vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Do vậy, Thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới.

Tại phiên họp sáng nay, Chính phủ đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, đại biểu Quốc hội TPHCM, trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54, một trong những điểm nghẽn lớn của TPHCM là chưa có chính sách đặc thù để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉ lệ ngân sách để lại cho Thành phố chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu cần được đầu tư, khơi thông nguồn lực...

Nghị quyết 54 của Quốc hội đã tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho TPHCM năm 2022 từ 18% lên 21%. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu về nguồn lực để phát triển cho TPHCM. Nguồn lực ở đây gồm hạ tầng, an sinh xã hội cho người lao động và tạo động lực để phát triển mới, là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, nếu không suy nghĩ về một động lực phát triển mới, cuối cùng TPHCM sẽ lại loay hoay với những mô hình phát triển cũ, khó tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp và thiếu tính bền vững. Do vậy, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022-2025 là 23%, 2026-2030 là 26%.

Bình luận