Các đại biểu tham gia thảo luận đều đánh giá cao những kết quả mà UBND Thành phố triển khai và đạt được sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội.
Theo đó mục đích cuối cùng của các cơ chế chính sách đặc thù nhằm giúp TPHCM có thêm điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Theo đại biểu Cao Thanh Bình, mặc dù việc thực hiện nghị quyết 54 đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa được như mong muốn của Thành phố. Trên thực tế dù là chính sách đặc thù nhưng quá trình thực hiện một số nội dung vẫn còn theo quy trình cũ, Thành phố phải xin hướng dẫn của các bộ ngành Trung ương. “Dù Thành phố rất tích cực đeo bám, gửi nhiều văn bản nhưng các bộ ngành vẫn chậm hướng dẫn. Đây là vấn đề khó nhất của TPHCM khi thực hiện nghị quyết 54, khiến việc giải quyết các bất cập không được làm sớm”, ông Bình phát biểu.
Trong khi đó, đại biểu Tăng Hữu Phong băn khoăn nếu đến tháng 11-2022, thời điểm hết thời gian thực hiện Nghị quyết 54 mà chưa có nghị quyết mới thì thành phố điều hành những đầu việc theo Nghị quyết 54 như thế nào?
Đại biểu Vương Đức Hoàng Quân cho biết ông cũng như tất cả các đại biểu và người dân Thành phố rất phấn khởi khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 cho TPHCM và đã phát huy hiệu quả ban đầu. Tuy nhiên, tính pháp lý của Nghị quyết có hạn chế về thời gian so với luật. Chính vì vậy về lâu dài Thành phố nghiên cứu đề xuất Quốc hội có Luật về đô thị đặc biệt để giúp TPHCM giải quyết nhiều vướng mắc và tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững. “Nên chăng chúng ta có Luật về Đô thị đặc biệt. Điều này giúp giải quyết những bài toán trước mắt và mới phát sinh như thành phố trong thành phố, trung tâm tài chính Quốc gia đặt tại TPHCM”, ông Quân đề xuất.
Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 54, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi tiếp thu ý kiến của các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố để hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội. Chủ tịch UBND Thành phố cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn có nội dung chưa thực hiện quyết liệt, nhất là một số công việc dù được phân cấp cho TPHCM nhưng vẫn còn vướng 1 số quy định nên khó thực hiện. “Chúng tôi thấy có nhiều việc được phân cấp cho TPHCM nhưng khi thực hiện phải vẫn đi xin bộ, ngành và quay về quy trình thông thường. Cho nên phân cấp cần phải đi liền với giao cho điều kiện. Đây là vấn đề cốt lõi trong Nghị quyết thay thế cho Nghị quyết 54 sắp tới”, ông Phan Văn Mãi nói.
Các đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị UBND Thành phố tổ chức các buổi hội thảo để nghe ý kiến các chuyên gia, nguyên lãnh đạo thành phố, các bộ ngành để có báo cáo hoàn chỉnh, khái quát được những kết quả làm được, chưa làm được. Qua đó bổ sung thêm những nội dung cần thiết cho quá trình phát triển của Thành phố trong thời gian tới để trình Quốc hội xem xét kịp thời ban hành tạo điều kiện cho TPHCM phát triển bền vững.
Hội đồng nhân dân TPHCM thông qua một số nghị quyết quan trọng. Cuối giờ chiều 7/7, Kỳ họp lần thứ 6 Hội đồng nhân dân TPHCM đã thông qua 1 số nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, Nghị quyết số 25 của Hội đồng nhân dân về triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Theo quyết nghị, Hội đồng nhân dân giao UBND TPHCM tập trung đánh giá toàn diện về việc thực hiện Nghị quyết số 54 nhằm làm cơ sở để đề xuất nghị quyết mới phát triển Thành phố. Các đại biểu cũng biểu quyết thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của Điều 1 Nghị quyết số 10/2020 của Hội đồng nhân dân Thành phố về ban hành mức thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn. Hội đồng nhân dân đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở ngành, đơn vị có liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện. |