Nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt tại TPHCM

(VOH) - Ngày 9/12, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM (Ban Giao thông) tổ chức hội thảo báo cáo cuối kỳ gói thầu BRT2-CS9.

Gói thầu BRT2-CS9 thuộc Dự án Phát triển Giao thông xanh TPHCM do Ban Giao thông làm chủ đầu tư, được Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, có mục tiêu nâng cao chất lượng mạng lưới tuyến xe buýt của Thành phố Hồ Chí Minh; hỗ trợ hoạt động hiệu quả hệ thống xe buýt và cải thiện xe buýt cho người dân.

Tư vấn DOHWA (Hàn Quốc) và Tư vấn UTCV (Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn và xây dựng Đại học Giao thông Vận tải) là nhà thầu của gói BRT2-CS9.

Mạng lưới tuyến buýt được tái cấu trúc sẽ kỳ vọng hỗ trợ kết nối các tuyến metro, BRT.

Tiến sỹ Ma Kook-Jun, chủ nhiệm dự án nghiên cứu, nhận định phương tiện giao thông công cộng tại TPHCM chỉ chiếm khoảng 5%, cần tái cấu trúc mạng lưới giao thông công cộng, giảm phương tiện ở nội đô để giải quyết vấn đề ùn tắc hiện nay.

Nghiên cứu tái cấu trúc mạng lưới xe buýt tại TPHCM 1
Ảnh minh họa: TTXVN

Đề xuất từ đơn vị tư vấn cho mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025 là cải thiện một số tuyến xe buýt trên địa bàn giúp thuận lợi hơn trong việc di chuyển và trung chuyển tới các tuyến đường sắt đô thị trong tương lai.

Mục tiêu dài hạn đến 2030, Tư vấn tiến hành tái cấu trúc toàn bộ hệ thống tuyến xe buýt trên cơ sở phân chia thành tuyến trục, tuyến nhánh và tuyến gom.

Tư vấn cũng đưa ra một số kế hoạch nhằm cải thiện và phát triển cơ sở hạ tầng (bến bãi, depot, trạm trung chuyển, làn đường ưu tiên cho xe buýt) và các chính sách, thể chế hỗ trợ tái cấu trúc mạng lưới tuyến xe buýt.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông cho biết một trong những nhiệm vụ trọng tâm thành phố được giao sắp tới là nâng cao tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng của người dân lên 25%, xe buýt phải đạt 15%.

Bình luận