Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam

(VOH) - Tối 14/4, chuyên cơ chở Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của ông trên cương vị mới.

Chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Blinken diễn ra từ ngày 14 đến 16/4 theo lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Chuyến thăm của ông Blinken được xem như tiếp nối các hoạt động của phía Mỹ nhằm kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken
Đây là lần đầu tiên ông Blinken đến Việt Nam trên cương vị ngoại trưởng Mỹ. Ông từng đến Việt Nam vào năm 2015 và 2016 trên cương vị thứ trưởng ngoại giao dưới thời chính quyền Barack Obama. - Ảnh: TTO

Trong thông cáo ngày 14/4 về chuyến thăm của ông Blinken, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ mong muốn "mở rộng quan hệ đối tác trong những năm tới" với Việt Nam. 

Thông cáo nhấn mạnh, chuyến thăm diễn ra trong dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện, đồng thời điểm lại các thành tựu hợp tác song phương trong khắc phục hậu quả chiến tranh, an ninh, thương mại, giáo dục, biến đổi khí hậu, năng lượng sạch...

Theo phía Mỹ, hợp tác về các giải pháp để giải quyết biến đổi khí hậu và các tác động của nó là một trong các vấn đề nằm trong chương trình nghị sự lần này của ông Blinken ở Việt Nam.

Dự kiến trong ngày 15/4, Ngoại trưởng Mỹ Blinken sẽ hội kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và hội đàm Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ dự lễ khởi công đại sứ quán mới của Mỹ tại Hà Nội, thăm Đại học Bách khoa và một số hoạt động khác.

Trong cuộc họp báo ngày 10/4, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink cho biết Việt Nam có tầm quan trọng với Mỹ bởi Việt Nam cũng ủng hộ trật tự quốc tế dựa trên các chuẩn mực, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đang mở rộng đầu tư tại đây và Việt Nam đang là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ khẳng định: "Chúng tôi coi Việt Nam là một đối tác tin cậy ở Mekong, một nhà lãnh đạo trong ASEAN và là thành viên quan trọng của Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Bình luận