Người lao động hưởng cao hơn mức đóng BHXH ?

(VOH) - Từ ngày 1/1/2018, phí bảo hiểm xã hội sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương của người lao động. Lợi ích của việc đóng BHXH trên tổng thu nhập chính là để người lao động tích lũy lâu dài, sau này sẽ nhận được mức lương hưu cao hơn so với mặt bằng hiện nay.

Ảnh minh họa: phapluat

Có một nghịch lý là hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội chiếm 22% lương của người lao động khá cao so với các nước trong khu vực xét về tỷ lệ. Trong đó, người sử dụng lao động chịu trách nhiệm 14% và 8% còn lại là do người lao động đóng. Mặc dù vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội hiện nay chỉ mới đáp ứng được 2/3 lương hưu.

Từ năm 2016, quy định về thời gian đóng BHXH để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa 75% cũng có thay đổi: đối với nam tăng từ 30 năm lên 35 năm, đối với nữ tăng từ 25 năm lên 30 năm. Mục đích kéo dài là để điều chỉnh hợp lý giữa đóng và hưởng. Theo đó, việc tăng thu bảo hiểm xã hội sẽ được chia làm 3 giai đoạn: Trong năm 2016, sẽ thu trên mức lương và phụ cấp.

Đến năm 2017, đóng bảo hiểm xã hội trên cả các khoản thu nhập bổ sung, là những khoản người lao động nhận được ngoài lương thường xuyên.

Đến năm 2018 đóng bảo hiểm xã hội trên tổng thu nhập, gồm tất cả những khoản người lao động được chi trả.

Đề cập đến nội dung này, phóng viên VOH đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

*VOH: Thưa ông, từ năm 2018, phí BHXH sẽ được thu trên cả những khoản thu nhập ngoài lương, như vậy thì phí đóng BHXH sẽ tăng lên đáng kể, cụ thể là sẽ thu trên những khoản nào?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Từ 1/1/2018 thì phải nộp tiền BHXH trên cơ sở tiền lương đầy đủ theo quy định tại Bộ luật lao động. Tiền lương này sẽ bao gồm: lương cấp bậc chức vụ, các khoản phụ cấp có tính chất tiền lương và các khoản bổ sung khác. Người lao động đóng ở trên mức cao hơn thì sau này về hưu sẽ hưởng tiền lương cao hơn.

Nhưng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải hướng dẫn điều 90 này: lương cấp bậc, lương chức vụ thì đương nhiên rồi, phụ cấp lương đưa vào, còn khoản bổ sung thì khoản nào có tính chất tiền lương thì đưa vào, khoản nào không có tính chất tiền lương từ lợi nhuận, từ phúc lợi của doanh nghiệp thì không phải là tiền lương. Vấn đề ở đây người ta không hiểu hết. Ý tưởng không phải là ôm hết tất cả các thứ người lao động thu nhập được để đóng BHXH mà cơ bản là lương cấp bậc, chức vụ, phụ cấp tiền lương và khoản trích từ tiền lương ra cho người lao động là tiền lương vì đã hạch toán vào giá thành, còn cái gì không hạch toán vào giá thành thì không phải là tiền lương.

*VOH: Nhiều ý kiến cho rằng hiện nay mức đóng phí BHXH, bảo hiểm y tế...của người lao động đang ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Điều này sẽ tạo sức ép lên khả năng chi trả lương của các doanh nghiệp. Trong khi đó, người lao động cũng e ngại liệu chính sách thu BHXH mới có thật sự mang lại lợi ích cho họ khi về già hay không khi mà đồng tiền thường xuyên bị trượt giá thưa ông?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Không phải Việt Nam đóng tiền bảo hiểm cao hơn các nước, chỉ cao hơn xét về mặt số tương đối, tức là tỷ lệ. Còn nếu so về số tuyệt đối thì quá trình tham gia chính sách BHXH của người lao động Việt Nam là thấp hơn các nước vì người lao động Việt Nam hiện nay có mức thu nhập đang thấp, cho nên khi đóng trên tỷ lệ đó thì người ta thấy rất thấp.

Nhưng nguyên tắc của chính sách BHXH là có đóng, có hưởng, đóng cao hưởng cao, đóng thấp hưởng thấp. Khi ngành BHXH công nghệ hóa thông tin một cách đầy đủ thì toàn bộ tiền của người đóng BHXH được hạch toán độc lập và người lao động sẽ theo dõi, kiểm soát được tiền đóng BHXH của mỗi người, kể cả tiền gốc đóng, tiền tăng trưởng tạo ra, thì người lao động sẽ yên tâm.

Nhưng hiện nay do người lao động chưa hiểu được tiền BHXH của người ta đóng vào là bao nhiêu? Và hưởng như vậy có đúng bằng tiền của người ta hay không? Nhưng tôi phải khẳng định rằng, tất cả tiền của người tham gia đóng BHXH hiện nay mức đóng với mức hưởng là không cân bằng. Mức hưởng vẫn cao hơn mức đóng rất nhiều. Còn nếu không may giá trị đồng tiền bị thay đổi thì Nhà nước có trách nhiệm bù phần chênh lệch giá để đảm bảo tiền lương thực tế cho người về hưu. Đó là những vấn đề hết sức quan trọng vì chúng ta không giải thích được cho người dân biết.

*VOH: Để phổ biến rộng rãi hơn những ưu điểm của Luật BHXH đến được với người dân, theo ông cần có giải pháp cũng như sự hỗ trợ như thế nào để người dân tham gia nhiều hơn?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Đối tượng người lao động bình thường đóng thì phải cố gắng đóng ở mức cao để nguồn BHXH của người tham gia cao lên và khi về hưu sẽ hưởng cao hơn. Còn đối tượng người lao động khu vực phi chính thức, lao động nông nghiệp, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì nhà nước sẽ có chính sách để hỗ trợ một phần mức đóng tham gia BHXH để sau này người lao động có chính sách BHXH.

Mức hỗ trợ đó cao hay thấp là căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội của đất nước và Quốc hội đã giao cho Chính phủ tự quyết định mức đó nhưng với một tinh thần là người nghèo phải được hỗ trợ, cận nghèo phải được hỗ trợ và người lao động không có quan hệ lao động đóng tự do cũng phải được hỗ trợ một phần để làm sao mở rộng đối tượng tham gia chính sách BHXH, thực hiện chính sách an sinh xã hội theo tinh thần của Hiến pháp.

Điều 34 nói rằng, mọi người đều có quyền được hưởng an sinh xã hội. Nghị quyết 21 nói rằng, quan điểm của Đảng và Nhà nước chúng ta là phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH – BHYT làm sao đến năm 2020 có 50% lực lượng lao động phải tham gia BHXH; 35% tham gia BH thất nghiệp vào 80% dân số có thẻ BHYT.

*VOH: Về vấn đề giải quyết trốn đóng, chiếm đóng BHXH của người lao động thì chúng ta đã điều chỉnh đưa vào Bộ Luật hình sự bằng cách khởi kiện các doanh nghiệp này, vậy theo ông đây có phải là một biện pháp hiệu quả không?

- Ông Bùi Sỹ Lợi: Bổ sung tội danh trong Bộ Luật hình sự về tội trốn đóng, chiếm dụng quỹ BHXH chỉ là một biện pháp mà không phải một biện pháp quan trọng, bởi vì nó có tính chất răn đe nhiều hơn, không ai muốn xử lý phương án đó cả.

Nhưng khi đã dùng tất cả các giải pháp mà không thực hiện thì phải hình sự hóa để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chứ không thể lấy tiền của người lao động đi làm việc khác, cho nên phải đưa vào bộ luật hình sự là như thế. Nhưng đừng cho rằng đó là giải pháp cơ bản mà giải pháp quan trọng là phải làm chuyển biến nhận thức. Như Lê Nin nói “để cho người lao động tự hiểu trên cái luống cày của người ta, chứ đừng ép buộc người ta". Khi họ thấy yêu quý bảo hiểm thì họ tìm đến.

*VOH: Cảm ơn ông!