Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS |
Cách đây gần 10 năm, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á nhận
được gói Cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (viết tắt là PEPFAR) cho các
hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Từ đó, Hoa Kỳ và Việt Nam đã trở thành hai đối
tác trong quá trình tăng cường hệ thống y tế quốc gia cho mục đích dự phòng,
chăm sóc và điều trị cho những người nhiễm và chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS ở Việt
Nam. Tính đến nay, số người nhiễm mới và tử vong do HIV/AIDS giảm nhanh qua từng
năm. Tuy đại dịch đã được đẩy lùi nhưng mỗi ngày vẫn còn có khoảng 35 ca nhiễm
mới. Kết quả giám sát dịch tễ cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV vẫn còn cao ở nhóm
nghiện chích ma túy, mại dâm và đặc biệt quan hệ tình dục đồng giới nam đang gia
tăng, đe dọa lây nhiễm cho cộng đồng dân cư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang
phải đối mặt với một thách thức lớn hơn khi viện trợ quốc tế trong lĩnh vực này
đang bị cắt giảm do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế toàn cầu. Xung quanh
vấn đề này phóng viên Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông
Christopher Detwiler - Giám đốc điều phối PEPFAR tại Việt Nam.
Thưa ông nhân ngày thế giới phòng chống AIDS, ông có thể cho biết những điểm nổi bật trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam trong thời gian vừa qua như thế nào?
Ông Christopher Detwiler: Đầu tiên thì tôi cũng xin được ghi
nhận những thành công đáng kể của Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức dân sự
xã hội, các cán bộ y tế đã có những đóng góp lớn lao của họ để có thể đạt được
những thành tựu trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam trong những năm
vừa qua. Tính đến nay chúng ta có những con số rất đáng ghi nhận như 77.000
người đang được điều trị ARV hay còn gọi là điều trị kháng vi rút, ngoài ra còn
một con số khác là 15.000 người hiện đang được điều trị thay thế bằng Methadone.
Và một yếu tố chủ chốt khác mà chúng tôi cũng ghi nhận trong thời gian qua là sự
tập trung các nhóm đối tượng dễ bị lây nhiễm HIV ví dụ như nhóm mại dâm nữ, nhóm
nam đồng tính và nhóm người nghiện chích ma túy. Qua đó, nếu chúng ta có thể
thực hiện các công tác xét nghiệm, chẩn đoán để đưa những nhóm người có nguy cơ
cao này tới các dịch vụ chăm sóc và điều trị sớm thì chúng tôi nghĩ rằng Việt
Nam sẽ tiến những bước dài trong công cuộc kiểm soát đại dịch HIV/AIDS tại Việt
Nam.
Như ông vừa cho biết thì để công tác phòng chống HIV/AIDS hiệu quả hơn, Việt Nam cần phải có thêm những yếu tố gì, thưa ông?
Ông Christopher Detwiler: Tôi nghĩ rằng có rất nhiều công việc mà Việt Nam có thể thực hiện, bởi vì mục tiêu quốc gia của Việt Nam là đưa 105.000 người được điều trị ARV và 80.000 người sẽ được điều trị thay thế bằng Methadone. Như chúng ta thấy thì tình trạng dịch HIV ở mỗi tỉnh, mỗi huyện có sự khác biệt, vì vậy chúng ta cần có sự tập trung cũng như là được thực hiện công tác phòng chống HIV cụ thể theo tình hình của từng địa phương đó. Ngoài ra, cũng có sự chuyển giao của các nhà tài trợ hỗ trợ sang mô hình có sự hiệu quả hơn về chi phí cho Việt Nam cũng như làm sao để những mô hình này có thể được lồng ghép một cách hiệu quả nhất vào hệ thống y tế hiện tại của Việt Nam. Điều này chúng tôi nghĩ cần có sự tham gia mạnh mẽ của cấp lãnh đạo các địa phương trong quá trình chuyển đổi này.
Vậy, ông có nhận xét như thế nào về những bước tiến trong việc điều trị thay thế các chất gây nghiện bằng Methadol trên thế giới cũng như tại VN, thưa ông?
Ông Christopher Detwiler: Về điều trị thay thế bằng Methadone chúng tôi có thể nói rằng Chính phủ Hoa Kỳ rất ủng hộ công tác điều trị thay thế bằng Methadone tại cộng đồng. Tại Hoa Kỳ chúng tôi đã triển khai công tác điều trị bằng Methadone từ năm 1994 và biện pháp này được đưa vào Việt Nam và thực hiện từ năm 2008 và chúng tôi cũng rất khuyến khích Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục điều trị thay thế bằng Methadone. Về phía Chính phủ Hoa Kỳ chúng tôi cũng rất mong muốn được tiếp tục hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho phía Chính phủ Việt Nam để có thể mở rộng hơn nữa mô hình điều trị thay thế các chất ma túy bằng Methadone tại cộng đồng.
Sắp tới đây viện trợ của các tổ chức quốc tế cho công tác phòng chống HIV/AIDS sẽ cắt giảm dần, do Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình và do khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, vậy theo ông Việt Nam nên làm gì để vượt qua thách thức này?
Ông Christopher Detwiler: Đầu tiên chúng tôi cũng xin được lưu ý sự hỗ trợ
rất lớn về mặt chính trị đối với chương trình PEPFAR từ phía Chính phủ Hoa Kỳ.
Như chúng ta đều biết, trong thời gian vừa qua nước Mỹ cũng như Quốc hội Việt
Nam đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thảo luận và vừa qua Quốc hội cũng
đã thông qua việc chấp thuận sự tiếp tục các chương trình tài trợ của PEPFAR tại
các quốc gia khác. Đồng thời phía Chính phủ Hoa Kỳ chúng tôi cũng sẽ tiếp tục là
nguồn hỗ trợ lớn cho quỹ toàn cầu cũng như các chương trình của PEPFAR triển
khai tại các quốc gia. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ trong công tác
phòng chống HIV tại các quốc gia và cụ thể tại Việt Nam chúng tôi sẽ chuyển từ
mô hình phụ thuộc vào cung cấp dịch vụ sang hướng khác, đó là chúng tôi hỗ trợ
về kỹ thuật nhiều hơn. Tuy nhiên, nhìn về dài hạn chúng ta có thể thấy rằng
những người nhiễm HIV được điều trị sớm theo phương pháp điều trị ARV thì sẽ có
cơ hội sống lâu hơn, có cuộc sống khỏe mạnh và sống có ích hơn cho xã hội. Vì
vậy chúng tôi phải cân nhắc làm sao để có thể hỗ trợ được về lâu dài và chúng
tôi sẽ cố gắng hợp tác với các bộ, ban ngành có liên quan cũng như các tổ chức
dân sự xã hội để làm sao phát triển được mô hình phòng chống, chăm sóc, điều trị
HIV/AIDS phù hợp hơn về mặt tài chính cũng như làm sao để đưa mô hình này vào hệ
thống y tế của Việt Nam và cùng hướng tới mục đích lâu dài hơn làm sao để hơn
100 ngàn cá nhân, có thể là những người mẹ, người chị, người anh những người con
trong gia đình họ có được cơ hội điều trị sớm để sống cuộc sống khỏe mạnh hơn và
có ích cho xã hội và chúng ta cũng hướng tới một tương lai không còn AIDS.
Xin cám ơn ông!