Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng lũ thượng nguồn kết hợp với kỳ triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên và sẽ đạt đỉnh từ ngày 10 - 13/10.
Theo đó, mực nước có khả năng dâng lên cao nhất trong bốn năm qua. Nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Hiện mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên theo triều, cao nhất ngày 4/10, trên sông Tiền tại trạm Tân Châu (An Giang) 3,23m, trên sông Hậu tại Châu Đốc (An Giang) 2,81m.
Trong những ngày tới, do ảnh hưởng của lũ thượng nguồn sông Mekong, kết hợp với triều cường, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long (tại Tân Châu, Châu Đốc) lên nhanh, có khả năng dâng cao và đạt đỉnh lũ năm 2022.
Cụ thể, từ ngày 10 đến 13/10, mực nước trên sông Tiền tại trạm Tân Châu khả năng lên mức 3,7m (trên báo động 1 là 0,2m), cao hơn đỉnh lũ năm 2021 khoảng 0,9m.
Trên sông Hậu tại trạm Châu Đốc khả năng lên mức 3,3m (trên báo động 1 là 0,3m), cao hơn đỉnh lũ năm 2021 khoảng 0,7m.
Từ ngày 11 đến 13/10, ảnh hưởng của lũ đầu nguồn Cửu Long và triều cường, mực nước các trạm hạ nguồn sông Cửu Long lên mức báo động 2 - báo động 3, có trạm lên trên báo động 3.
Một số địa phương ở vùng trũng thấp, ven sông có nguy cơ xảy ra ngập lụt gồm: Tỉnh An Giang: Thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, huyện Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú, bờ bắc kênh Vĩnh Tế. Tỉnh Đồng Tháp: Thành phố Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông. Tỉnh Long An: Huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Tân Thạnh. Một số tỉnh có nguy cơ xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các tỉnh thành hạ nguồn sông Cửu Long: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang. |
Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, người dân cần theo dõi chặt chẽ và cập nhật thường xuyên các thông tin dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia và hệ thống dự báo địa phương.