Chờ...

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - người đặt nền móng cho những quyết sách quan trọng

(VOH) - Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt nền móng cho một loạt các quyết định quan trọng, đưa nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập và thử thách nhưng cũng tràn đầy cơ hội.

VOH ghi nhận cảm nhận của các chuyên gia, doanh nghiệp - những người từng gắn bó làm việc dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Nghe bài viết tại đây.  

Nhớ lại hồi ấy, khi còn là doanh nghiệp ở TPHCM kinh doanh mặt hàng điện tử - một loại hàng khá nhạy cảm đối với vấn đề buôn lậu, trốn thuế nên thường xuyên có nhiều cơ quan Trung ương, địa phương đến kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Hàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP kể lại, nhờ chỉ thị của Thủ tướng Phan Văn Khải thời bấy giờ, “không cho phép các cơ quan đến doanh nghiệp kiểm tra bằng giấy giới thiệu, chỉ tập trung kiểm tra doanh nghiệp một lần trong năm”, nên khi có người đến kiểm tra, ông Nguyễn Xuân Hàn đã chìa ra chỉ thị này, nhờ đó, doanh nghiệp ông đã giảm đáng kể gánh nặng về thanh, kiểm tra. Đó là ấn tượng ông nhớ nhất khi thời vị nguyên thủ quốc gia này còn đương nhiệm. Ông Nguyễn Xuân Hàn bày tỏ sự tiếc thương về sự ra đi của nguyên Thủ tướng, đây là sự mất mát của đất nước và nhân dân Thành phố.

“Bác Khải trong thời gian còn đang đương chức, chúng tôi rất khâm phục tấm lòng và trách nhiệm của Bác Khải với đất nước và người dân thành phố. Thay mặt cho doanh nghiệp TPHCM, chúng tôi xin gởi lời chia buồn sâu sắc đến gia quyến của Bác Khải. Doanh nghiệp trong thời kỳ đó được cởi gỡ bởi chủ trương không cho các cơ quan các ngành đến kiểm tra, thanh tra doanh nghiệp. Điều đó ngay chính chúng tôi cảm nhận được rằng, nó đã tháo gỡ gánh nặng mà chúng tôi gánh chịu để chúng tôi yên tâm phát triển. Các thế hệ lãnh đạo sau này tiếp tục nối tiếp sự nghiệp này để các doanh nghiệp bớt đi sự vất vả tập trung cho sản xuất kinh doanh” - ông Nguyễn Xuân Hàn nói.

Để chuẩn bị cho bước ngoặt quan trọng khai mở cho thị trường chứng khoán, ông Lê Văn Châu – nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hồi tưởng, những năm trước đó đã manh nha việc thành lập thị trường chứng khoán nhưng chưa thực hiện được. Khi đó, Thủ tướng Phan Văn Khải quyết liệt bảo vệ lập trường này khi cho rằng, để huy động nguồn vốn dài hạn, Việt Nam cần phải xây dựng cho được thị trường chứng khoán, làm từng bước, chậm mà chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: AFP 

“Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lúc bấy giờ đã chuẩn bị 15, 16 doanh nghiệp để chuẩn bị lên sàn đầu tiên khi thị trường chứng khoán mở ra. Dù có quá trình chuẩn bị, đến ngày lên sàn, nhưng đến ngày sắp sửa mở thị trường chứng khoán, chỉ còn lại hai doanh nghiệp là quyết tâm để lên sàn. Do đó lúc bấy giờ cũng rất khó, cũng có ý kiến bảo thôi, tạm hoãn lại để tiếp tục chuẩn bị sau. Thủ tướng Phan Văn Khải bảo không, ta phải quyết tâm làm" - ông Lê Văn Châu cho biết.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong lòng ông chính là người đặt nền móng cho Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.

“Kinh tế tư nhân dưới thời Thủ tướng Phan Văn Khải, với Luật doanh nghiệp năm 1999 được thành lập. Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đầu tiên tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp tư nhân, lắng nghe, nghe cả buổi sáng ở Hà Nội và TP.HCM, họp đến tận 1 giờ chiều đối thoại rất thẳng thắn. Đó là đóng góp lịch sử mà đến giờ các thủ tướng vẫn tiếp tục truyền thống đó” - ông Lê Đăng Doanh cho biết thêm.

Nhớ lại quá trình xây dựng Luật Doanh nghiệp, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể, ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ còn mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến, đưa dự thảo ra tham khảo ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình.

Bà Phạm Chi Lan cho biết: “Cách điều hành của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cũng như Thủ tướng Phan Văn Khải đều theo hướng rất trọng về chuyên môn. Quá trình cải cách được hai vị Thủ tướng này dẫn dắt được diễn ra một cách liên tục, nâng tầm bộ máy nhà nước, tạo sự tăng trưởng một cách đều đặn, kết quả cao, giữ được sự ổn định”. 

Từ quan điểm đổi mới và có niềm tin vào doanh nghiệp với phương pháp quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch của Thủ tướng Phan Văn Khải, Luật Doanh nghiệp đã được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2000, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình tạo lập môi trường kinh doanh theo kinh tế thị trường và phát huy nội lực của Việt Nam.

Xem thêm: THÔNG CÁO ĐẶC BIỆT: Nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải từ trần