Nhân lực du lịch đón đầu hội nhập

(VOH) - Theo lộ trình, cuối năm nay, cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC) sẽ chính thức hình thành. Khi đó, các nước trong cộng đồng sẽ cho phép tự do dịch chuyển lao động thuộc 8 ngành nghề như nha sĩ, bác sĩ, điều dưỡng, kiến trúc, kỹ sư, kế toán, giám sát và du lịch.

Các chuyên gia dự báo, trong nhóm ngành này, cạnh tranh nhân lực ở lĩnh vực du lịch sẽ nhanh và mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi đây là ngành mũi nhọn được doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư tài chính lớn ưu tiên.

Thống kê của Tổng cục Du lịch ước tính, VN hiện có khoảng 2,2 triệu lao động đang làm việc liên quan đến lĩnh vực du lịch, chiếm khoảng 3% số lượng lao động cả nước (gần 54 triệu lao động). Dù số lượng không nhiều nhưng đây là ngành dịch vụ có mức lương cao nên tính cạnh tranh cao. 

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch VN cho biết, hạn chế lớn nhất của nhân lực du lịch nước ta là ngoại ngữ. Bộ phận lễ tân, buồng, phòng khách sạn là đáng lo nhất. “Lao động VN trong lĩnh vực du lịch có thể di chuyển sang các nước trong khu vực, thậm chí lao động từ nước ngoài vào. Thách thức là trong môi trường cạnh tranh, người ta đáp ứng trình độ, kinh nghiệm và kỹ năng hơn thì họ sẽ chiếm lĩnh những vị trí việc làm tốt hơn”. Ông Tuấn nhìn nhận. 

Hướng dẫn viên Du lịch đang tác nghiệp tại Dinh Thống Nhất - Ảnh: TCDL.

Từ năm học mới này, Trường cao đẳng nghề du lịch Sài Gòn bắt đầu triển khai yêu cầu TOEIC từ 500 điểm trở lên, tùy mỗi khoa. Theo Thạc sĩ Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng nhà trường: nhiều chương trình giảng dạy cho sinh viên giờ đây cũng thay đổi, bố trí đều giữa lý thuyết với thực hành, giúp sinh viên đáp ứng yêu cầu mới của hội nhập. Điều thuận lợi là từ nhiều năm nay, giáo trình được đồng bộ trước nhờ áp dụng hệ thống VTOS (Bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam) do liên minh Châu Âu hỗ trợ và được các nước khu vực thừa nhận. Ông Toàn cho rằng: “Sự cạnh tranh ở khối nhà hàng, khách sạn gặp khó khăn đầu tiên. Khối lữ hành, hướng dẫn dù sao cũng được bảo hộ vì không cho phép hướng dẫn viên nước ngoài hành nghề ở Việt Nam nhưng vẫn có tiêu chuẩn hướng dẫn ASEAN. Có nghĩa là, hướng dẫn viên trong nước phải đạt chuẩn nghề của ASEAN. Vì vậy, Trường vẫn phải cập nhật chương trình dạy để đạt tiêu chuẩn này”.

Ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực thành phố bổ sung : “Cơ hội việc làm tăng lên, các dòng di chuyển lao động sẽ mở ra cả trong và ngoài nước. Lao động có kỹ năng, trình độ nghề sẽ có ưu thế để thắng. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp khó khăn kỹ năng, ngoại ngữ và đạo đức, trách nhiệm, nghề nghiệp. Đây là 3 yếu tố mà nhiều lao động nước ta chưa hoàn thiện”.