Nhiều thay đổi trong các kỳ thi đại học riêng từ năm 2025

VOH - Năm 2025, các kỳ thi riêng của các trường đại học sẽ có nhiều đổi mới để phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức.

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến tổ chức vào ngày 17-18/5/2025. Hiện có 22 trường đại học sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển. Thí sinh có thể đăng ký thi các môn như Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý theo yêu cầu tuyển sinh của từng trường.

Từ năm 2026, kỳ thi sẽ bổ sung các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Đề thi kết hợp trắc nghiệm và tự luận, đánh giá kiến thức cốt lõi, khả năng phân tích, giải quyết vấn đề, và sáng tạo. Đặc biệt, cấu trúc đề thi được thiết kế bám sát nội dung Chương trình GDPT 2018, đảm bảo tính công bằng và chất lượng đánh giá.

Thi tot nghiem 2024 02052025
Ảnh minh hoạ

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ có thay đổi lớn về dạng thức và nội dung câu hỏi. Khoảng 75% câu hỏi là trắc nghiệm khách quan, trong đó bổ sung câu hỏi chùm và thêm phần thi tiếng Anh từ năm 2025.

Dự kiến, kỳ thi sẽ được tổ chức 6 đợt tại 19 địa điểm, mở cổng đăng ký từ ngày 8/2/2025. Đại học Quốc gia TP.HCM cũng điều chỉnh cấu trúc đề thi để phù hợp với chương trình mới, thay đổi cách thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi này.

GS.TS Vũ Duy Hải cho biết, kỳ thi Đánh giá tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ giữ ổn định về cấu trúc, nhưng có điều chỉnh về công nghệ nhằm hỗ trợ thí sinh. Ngân hàng câu hỏi sẽ được rà soát, loại bỏ kiến thức không phù hợp với chương trình GDPT 2018. Nhà trường cũng cung cấp hệ thống thi thử online để thí sinh làm quen và luyện tập.

Những đổi mới trong các kỳ thi riêng không chỉ đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT 2018 mà còn mở rộng cơ hội cho thí sinh lựa chọn các ngành học phù hợp. Tuy nhiên, thí sinh cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển sinh của từng trường để chuẩn bị tốt nhất, tránh bỏ lỡ cơ hội vào các ngành mơ ước.

Bình luận