Nhiều thôn bản có tỉ lệ tự sinh tại nhà trên 60%
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị vận động chính sách hỗ trợ đội ngũ cô đỡ thôn, bản do Bộ Y tế tổ chức, ngày 10/3.
Theo báo cáo của các địa phương, kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy, tại 18 tỉnh miền núi khó khăn có tới 4.346 thôn bản cần có cô đỡ, vì cô đỡ thôn bản có sự đáp ứng tại chỗ ngay lập tức, liên tục và miễn phí đối với các bà mẹ và trẻ em ở những vùng khó khăn.

Hiện cả nước chỉ có 1.549 cô đỡ đang hoạt động, đạt tỉ lệ bao phủ 30,31%. Tại các tỉnh miền núi khó khăn, như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Kon Tum, Gia Lai vẫn còn nhiều thôn bản có tỉ lệ tự sinh tại nhà vẫn rất cao (trên 60%).
Ông Đinh Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ-trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, chỉ có cô đỡ thôn bản mới có thể tiếp cận, chăm sóc bà mẹ tại địa phương ngay tại chỗ.
Vì bà con dân tộc thiểu số quan niệm mọi chăm sóc liên quan đến phụ nữ mang thai, sinh đẻ là chuyện riêng tư, chỉ có chồng, phụ nữ trong nhà, hoặc những người thân thiết mới có thể trao đổi được.
Nhưng đến nay việc thực thi các chính sách cho cô đỡ thôn bản giữa các địa phương có sự khác nhau, khiến việc duy trì hoạt động của đội ngũ này gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương không bố trí kinh phí hỗ trợ cho cô đỡ thôn bản hoạt động.
Chính sách cô đỡ thôn bản hoạt động từ 2013-2019, nhưng cô đỡ thôn bản một số địa phương chỉ nhận được phụ cấp khoảng 550.000 đồng/tháng từ việc kiêm nhiệm này.
Bộ trưởng đề nghị y tế các cấp phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể, tổ chức liên quan tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương xây dựng và thực thi đầy đủ các chính sách đãi ngộ đối với cô đỡ thôn, bản.