Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện xây ra để không

(VOH) - Nhiều trung tâm dạy nghề cấp huyện “xây ra để đấy”, “lãng phí dài tập”, “còn tồn tại còn phải rót kinh phí".

Đây là đánh giá của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về thực trạng tổ chức hoạt động của các trung tâm dạy nghề thuộc các hội nghề nghiệp, tổ chức chính trị-xã hội trong buổi làm việc với Bộ LĐTB&XH ngày 2/6.

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có 1.989 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó công lập có 1.337 cơ sở, chiếm 67%. Tuy nhiên, các cơ sở được phân bố không đều, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng.

Số lượng nhà giáo và cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là 91.555 người. Trong đó, trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là 71.771 người, chiếm 78%, gồm cơ quan có thẩm quyền giao là 61.005 người, còn lại là hợp đồng lao động.

Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ với quy mô như vậy, mức độ đáp ứng cho nhu cầu xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hóa như thế nào, khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao ra sao.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trong cuộc họp (Nguồn: CP)

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ mục tiêu đổi mới cơ chế quản lý, sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập là nâng cao năng lực hiệu quả của hệ thống này, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công của người dân, doanh nghiệp với chất lượng ngày càng cao, hoạt động ngày càng hiệu quả.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xác định những danh mục, những dịch vụ sự nghiệp công nào phải sử dụng ngân sách nhà nước, trên cơ sở đó quy hoạch sắp xếp mạng lưới với tinh thần giảm mạnh đầu mối, tinh giản tổ chức bên trong.

Từ đánh giá thiếu người làm việc trực tiếp, trong khi cán bộ phục vụ, quản lý thì nhiều, Phó Thủ tướng chỉ rõ việc quy hoạch mạng lưới theo ngành, lĩnh vực hay địa giới hành chính, hay kết hợp cả hai thì Bộ phải có quan điểm thật rõ; đặt lộ trình đến năm 2020 giảm được bao nhiêu đầu mối. Không để ngân sách cấp phát cho các trường không giảm đi mà còn tăng lên.

Về cơ chế tự chủ, Phó Thủ tướng nêu rõ Nhà nước động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, trong đó quan trọng nhất là tự chủ về tài chính, từ đó tự định biên được. Khi Nhà nước còn phải cấp ngân sách thì Nhà nước phải định biên.

Tuy nhiên, chưa đồng tình với quan điểm một đại biểu tham dự cuộc làm việc nêu ra là các trường kỹ thuật phải tự chủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề: “Những trường ở khu vực miền núi, hải đảo, các trung tâm nghề có tự chủ được không? Có khấu hao được toàn bộ tài sản vào phí không? Không phải chỗ nào cũng “teo” lại được. Vẫn phải có bàn tay hữu hình của Nhà nước trong những trường hợp này”.

Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng Bộ đang đề nghị hình thành các trường đào tạo nghề trọng điểm. Vậy Bộ cũng nên tính toán phương án nếu thành lập mới các trường này thì cơ sở phải tự chủ ngay được thì mới thành lập, không thì không thành lập nữa.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu thiết kế cơ chế hiệu quả để tăng cường tính tự chủ ngay tại nội bộ của cơ sở sự nghiệp công, bảo đảm tính minh bạch, năng động của đơn vị.

Bình luận