Nhớ Chú Hai !

(VOH) - Nhớ về ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, chúng ta nhớ về một nhà lý luận xuất sắc với hoạt động thực tiễn cách mạng phong phú, gắn bó trọn đời với con đường đấu tranh cách mạng, giải phóng dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trong vai trò Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương rồi Phó Bí thư Thành ủy phụ trách tư tưởng - văn hóa, ông đã có những đóng góp nổi bật trong giai đoạn đầu khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.

Kỷ niệm ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (1/8/1930 - 1/8/2017). VOH giới thiệu bài viết của Nhà báo Lê Công Đồng, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM ghi lại những kỷ niệm, bài học sâu sắc với Đồng chí Trần Trọng Tân.

Đồng chí Trần Trọng Tân nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương

Mỗi độ thu về, khi cả nước hướng về những ngày tháng Tám, tôi lại bồi hồi nhớ về chú, một tượng đài của ngành công tác văn hóa tư tưởng của Đảng, một nhà tuyên giáo chuyên nghiệp - chú Trần Trọng Tân, chú Hai Tân, người mà tôi luôn nguyện lấy làm điểm tựa để tu dưỡng, để trau dồi, phấn đấu học tập noi theo để ít nhất được một phần nhỏ như chú. Bởi tôi luôn nghĩ chú cao cả như một tượng đài trong lĩnh vực công tác tư tưởng mà mình thì quá bé nhỏ và non nớt.

Tôi còn nhớ, trong những năm đầu bắt đầu sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng, một lần quận tôi công tác may mắn mời được chú, lúc này chú đang là Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về báo cáo Nghị quyết. Lần đó nghe tin chú về, mặc dù quận chỉ mời những cán bộ lãnh đạo của quận và cán bộ cao cấp quân đội nghỉ hưu trên địa bàn về học Nghị quyết, nhưng hội trường của quận vẫn chật ních người dự.

Khi chú đang báo cáo tình hình chung của thế giới và trong nước, báo cáo về những khó khăn của phe xã hội chủ nghĩa lúc bấy giờ, chú nói “Lúc này, Đảng ta phải có mưu, có mẹo…”, thì dưới hội trường có một đại biểu đứng phắt lên hô lớn: “Tôi phản đối, tôi phản đối đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Đảng ta là quang minh, chính đại, Đảng không bao giờ dùng mưu, mẹo”.

Cả hội trường xôn xao, chú Hai lại cười đôn hậu, cám ơn vị đại biểu và mời vị này ngồi xuống, sau đó chú ôn tồn giải thích: “Đúng Đảng ta là quang minh, chính đại, Đảng không bao giờ sử dụng mưu, mẹo, tôi nói mưu, mẹo ở đây chính là nói Đảng phải có chiến lược và sách lược đó, nhưng khi trình bày với các đồng chí, tôi dùng từ mưu, mẹo để cho bình dân, dễ hiểu”. Cả hội trường đều lặng im, hiểu ý chú muốn nói dung dị là để mọi người dễ học, dễ hiểu, dễ nhớ.

Lần khác, lúc này tôi đã là lãnh đạo ngành tuyên giáo của quận, tôi tham mưu cho quận ủy xây dựng “Đề án công tác tư tưởng hướng về cơ sở”. Khi mọi công việc chuẩn bị, biên tập, góp ý từ cơ sở cho đến ban chấp hành Đảng bộ đã hoàn chỉnh, đồng chí Bí thư yêu cầu tôi tham mưu tổ chức một cuộc tọa đàm về đề án để xin ý kiến lãnh đạo Thành phố và các nhà khoa học sống trên địa bàn quận trước khi triển khai thực hiện, vì đây là đề án rất mới lúc bấy giờ trong hệ thống Tuyên giáo Thành phố.

Tôi đã tham mưu danh sách đại biểu, khách mời, tôi có mời chú Hai tham dự. Thật tình, tôi rất mong chú dự, nhưng lại lo vì chú quá nhiều việc, sợ chú khó sắp xếp để về quận dự cùng với chúng tôi. Vậy mà hôm tổ chức tọa đàm, tôi rất phấn khởi vì chú đã đến và chú chuẩn bị sẵn một bài phát biểu ý kiến góp ý cho đề án trong buổi tọa đàm, điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn cho giá trị thực tiễn của đề án.

Trong buổi tọa đàm, có một cô phóng viên góp ý cho đề án, cô ấy nói: “Đề nghị không nên dùng từ “hành vi” trong đề án vì từ “hành vi” hàm ý nghĩa là những hành động xấu, không mang tính xây dựng”.

Tôi còn đang lúng túng, dự tính ghi nhận để sau đó xem xét ý kiến này thì chú Hai lại đề nghị phát biểu, chú nói: “Hành vi theo định nghĩa trong từ điển Tiếng Việt có nghĩa là toàn bộ những phản ứng, cách cư xử, biểu hiện ra ngoài của một người trong một hoàn cảnh cụ thể. Cô hãy đọc trong Từ điển Tiếng Việt, trang… dòng… của Nhà xuất bản… nhé. Hành vi bao hàm cả nghĩa tốt, nghĩa xấu chứ không chỉ có nghĩa xấu đâu”. (tôi không nhớ chính xác chú nói về trang, dòng, nhà xuất bản).

Tôi bàng hoàng, tự nhủ “Trời, ông cụ có trí nhớ siêu phàm, đột xuất như vậy mà chú phát biểu một cách chính xác nội dung một khái niệm và còn nhớ cả trang, cả dòng nữa chứ”…

Đồng chí Trần Trọng Tân trong một lần gặp mặt  với các cán bộ cơ sở

Về cuối đời, chú vẫn đau đáu công việc xây dựng Đảng, công việc thực hành dân chủ, tôi càng khâm phục chú hơn khi mà những ngày cuối đời chú vẫn căn dặn đồng chí Trần Trọng Dũng, con trai mình, là "trong điều kiện một Đảng cầm quyền, phải thực hành dân chủ trong Đảng con nhé!".

Tôi cúi đầu chào “Một Người cộng sản trung kiên, một Người đảng viên chân chính”. Người với chữ viết hoa đúng nghĩa, luôn cống hiến, hy sinh cho Đảng đến hơi thở cuối cùng.

Việc này làm tôi mãi mãi nhớ chú, khi cả nước đang tập trung thực hiện Nghị Quyết Trung ương 4 (Khóa XI). Trong một buổi họp giao ban hàng tuần của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, lúc này tôi đã về công tác tại Ban Tuyên giáo Thành ủy, chú nhờ anh em chúng tôi đọc và góp ý giúp chú một lá thư chú gửi cho đồng chí Tổng Bí thư để tham gia xây dựng Đảng. Chú viết rất cụ thể, khúc chiết góp ý đồng chí Tổng Bí thư về một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, đương kim lãnh đạo và lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.

Tôi đọc mà cứ lo vì nội dung chú viết rất cụ thể, có nội dung chi tiết, có số liệu, có nguồn cung cấp tin, nhưng cũng như chú, chúng tôi tin vào quyết tâm của Trung ương Đảng trong thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 4, “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” để Đảng ta vững mạnh, để Đảng trong sạch như mong muốn của nhân dân nên chúng tôi ủng hộ chú gửi thư cho Tổng Bí thư.

Sau khi thư gửi đi, khoảng 3 tháng sau, cũng trong một buổi giao ban lãnh đạo Ban, chú đến dự. Cuối buổi họp, chú xin phát biểu, chú từ tốn thông báo là đồng chí Thường trực Ban Bí thư theo sự phân công của đồng chí Tổng Bí thư đã đến nhà gặp chú và thông báo cho chú kết quả xác minh các vấn đề mà chú đã gửi cho đồng chí Tổng Bí thư.

Đồng chí Thường trực đã nói đồng chí trực tiếp đi xác minh và báo cáo cụ thể từng vụ việc một cách thấu tình, đạt lý cho chú các nội dung mà chú đã phản ánh và chú kết luận, chú đồng tình với trả lời của đồng chí Thường trực Ban Bí thư. Chú tin và chú hài lòng về việc đồng chí Tổng Bí thư đã quan tâm và chỉ đạo trả lời cụ thể cho chú. Tôi hiểu và tôi phục ý thức xây dựng Đảng của chú.

Ba mẩu chuyện trên tuy ngắn nhưng vô cùng sâu sắc với tôi. Đó là những bài học mà chú đã dạy cho tôi:

Bài học về bản lĩnh người cán bộ tuyên truyền khi đứng trên bục giảng;

Bài học về việc phải học tập suốt đời trong thời đại ngày nay, cán bộ tuyên giáo phải luôn học tập khi cán bộ tuyên giáo luôn phải tiếp xúc với mọi người trong xã hội;

Và lớn nhất là bài học về tự làm công tác tư tưởng cho người làm công tác tư tưởng; tư tưởng không thông thì mang bình tông cũng không nổi; trước khi làm tư tưởng cho mọi người, tư tưởng của người làm công tác tư tưởng phải thông, phải tìm hiểu ngọn nguồn mọi việc để bản thân mình biết, bản thân mình hiểu và bản thân mình có lòng tin thì mới làm công tác tư tưởng cho mọi người được.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống ngành công tác tư tưởng của Đảng, vài mẩu chuyện hồi nhớ về đồng chí Trần Trọng Tân - chú Hai Tân như một nén tâm nhang gửi đến chú, một nhà tuyên giáo chuyên nghiệp, một người đảng viên mẫu mực của chúng tôi.