Cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân vụ việc.
Theo thông tin từ Công an huyện Krông Năng, ba em học sinh gồm L.B.H., P.C.H., L.H.A.N. (cùng học lớp 6, Trường THCS Trần Hưng Đạo) đã tìm hiểu cách chế tạo pháo nổ trên mạng xã hội. Sau đó, các em mua diêm về thực hành chế tạo, nhưng không may pháo phát nổ, gây ra thương tích nghiêm trọng.
Đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội ghi lại cảnh hai em học sinh mặt đầy máu, tay bị thương, vừa chạy vừa gào khóc trong hoảng loạn để tìm kiếm sự giúp đỡ. Một phụ nữ tại hiện trường đã nhanh chóng lấy xe máy, chở các em đến bệnh viện cấp cứu.
Chiều cùng ngày, ba em học sinh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Krông Năng trong tình trạng đa chấn thương. Theo bác sĩ tại trung tâm, các em bị nhiều mảnh thủy tinh găm vào cơ thể. Một em bị dập nát ngón tay, hai em khác bị thương ở mắt, tay, chân và phần mềm. Sau khi sơ cứu, các em được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để tiếp tục điều trị.
Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên xác nhận, trong số ba em nhỏ nhập viện, một trường hợp cần phẫu thuật bàn tay, một em bị tổn thương ở mắt, và em còn lại bị đa chấn thương ở tay, chân và bụng. Hiện sức khỏe của các em đang được các bác sĩ theo dõi chặt chẽ.
Thượng tá Trần Quang Vinh, Trưởng Công an huyện Krông Năng, cho biết công tác tuyên truyền về tác hại của việc tự chế pháo đã được triển khai thường xuyên tại các trường học trên địa bàn. Đầu năm học, lực lượng công an đã đến các trường tổ chức tuyên truyền, yêu cầu học sinh và gia đình ký cam kết không chế tạo, sử dụng pháo nổ.
Ngoài ra, ngày 26/11, UBND xã Tam Giang đã ban hành văn bản nhấn mạnh về nguy cơ và hậu quả của việc tự chế pháo, đồng thời kêu gọi sự phối hợp từ gia đình và nhà trường để quản lý các em tốt hơn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa, tình trạng học sinh tự chế pháo nổ vẫn diễn ra. "Vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo, cho thấy sự cần thiết của việc tăng cường giám sát và giáo dục từ gia đình bên cạnh những nỗ lực từ cơ quan chức năng," thượng tá Vinh nhấn mạnh.