Những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2018

(VOH) - Nhiều chính sách mới liên quan tới giáo dục đào tạo sẽ có hiệu lực từ tháng 9/2018.

Muốn làm hiệu trưởng phải có 5 chuẩn

Theo Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT ngày 20/7/2018, hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đạt 5 tiêu chuẩn gồm: 1- Phẩm chất nghề nghiệp; 2- Quản trị nhà trường; 3- Xây dựng môi trường giáo dục; 4- Phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, xã hội; 5- Sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin.

Đặc biệt, năng lực sử dụng ngoại ngữ lại chia ra ba mức: đạt (giao tiếp thông thường bằng ngoại ngữ), khá (chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển năng lực sử dụng ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh trong trường), tốt (sử dụng ngoại ngữ thành thạo).

 chính sách mới, hiệu trưởng

Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông phải đạt 5 tiêu chuẩn và các tiêu chuẩn này phải được đánh giá hàng năm (Ảnh minh họa: hn-ams)

Về quy trình đánh giá, Thông tư nêu rõ: Hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn hiệu trưởng; Nhà trường tổ chức lấy ý kiến giáo viên, nhân viên trong trường đối với hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng.

Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp thực hiện đánh giá và thông báo kết quả đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn hiệu trưởng trên cơ sở kết quả tự đánh giá của hiệu trưởng, ý kiến của giáo viên, nhân viên và thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng thông qua các minh chứng xác thực, phù hợp.

Hiệu trưởng tự đánh giá theo chu kỳ một năm một lần vào cuối năm học.

Cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp đánh giá hiệu trưởng theo chu kỳ hai năm một lần vào cuối năm học. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan quản lý cấp trên quyết định rút ngắn chu kỳ đánh giá.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 4/9/2018.

Đại học phải cam kết chất lượng đào tạo trên website

Theo Thông tư 15/2018/TT-BGDĐT ngày 27/7/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử và trang thông tin điện tử của các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng sư phạm.

Theo đó, các trường phải thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Nhóm thông tin công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; nhóm thông tin công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; nhóm thông tin công khai thu chi tài chính (thủ tục, hồ sơ, thời gian, địa điểm dự thi, xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển...).

Thông tư có hiệu lực từ ngày 11/9/2018.

Hỗ trợ người có công đang định cư ở nước ngoài

Nghị định 102/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 20/07/2018 quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài.

Cụ thể, những người nêu trên được hỗ trợ 4 triệu đồng nếu từ đủ hai năm công tác trở xuống. Nếu công tác trên hai năm, sẽ được cộng thêm 1,5 triệu đồng mỗi năm tính từ năm thứ ba. Người thuộc diện hưởng chế độ bị chết trước ngày 5/9/2018, thân nhân được hỗ trợ một lần 6 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu họ về nước định cư còn được hưởng chế độ bảo hiểm y tế như đối với người có công. Khi chết, họ được hưởng trợ cấp mai táng.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 5/9/2018.

Cơ quan Nhà nước gửi văn bản điện tử thì không gửi văn bản giấy

Quyết định 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/07/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện thí điểm gửi, nhận văn bản điện tử tại các bộ, ngành, địa phương trước ngày 31/12/2018, chính thức áp dụng từ 2019.

Theo quyết định này, văn bản điện tử phải được gửi ngay trong ngày ký ban hành, chậm nhất là trong buổi sáng ngày làm việc tiếp theo. Nếu cơ quan đã gửi văn bản điện tử thì không gửi bản giấy trừ bản gửi Chính phủ, Thủ tướng...

Trường hợp văn bản điện tử thuộc loại khẩn phải được đặt ở chế độ ưu tiên, ghi rõ mức độ khẩn, gửi ngay sau khi đã ký số và phải được trình, chuyển giao xử lý ngay sau khi tiếp nhận. Văn bản điện tử đến sau khi được tiếp nhận, nếu bảo đảm giá trị pháp lý phải được xử lý kịp thời, không phải chờ văn bản giấy (nếu có).

Quyết định cũng nêu rõ, bên nhận có quyền từ chối nhận văn bản điện tử, nếu văn bản điện tử đó không bảo đảm yêu cầu về gửi nhận. Cơ quan từ chối phải chịu trách nhiệm về việc từ chối.

Quyết định có hiệu lực từ ngày 6/9/2018.

Giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

Thông tư 59 do Bộ Tài chính ban hành ngày 16/7 sửa đổi Thông tư 219 năm 2015 quy định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Nội dung chính của thông tư quy định doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động được giảm phần vốn của nhà nước khi: quy mô hoạt động giảm, tách doanh nghiệp, không còn thuộc đối tượng được nhà nước đầu tư vốn...

Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9.

Giảm điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng

Nghị định 100/2018/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 16/7/2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện chung để được cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã được quy định tại Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Thứ nhất, nếu trước đây, người được cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng hai phải có 5 năm kinh nghiệm sau khi tốt nghiệp đại học chuyên ngành phù hợp, thì nay thời gian này giảm xuống còn 4 năm.

Đối với chứng chỉ hành nghề xây dựng hạng ba, nay điều kiện cũng giảm đi còn hai năm kinh nghiệm với người có trình độ đại học, ba năm với trình độ cao đẳng hoặc trung cấp. Trước đây mỗi đối tượng cần điều kiện nhiều hơn một năm.

Cụ thể, cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề khi đáp ứng các điều kiện sau:

1- Có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có giấy phép cư trú hoặc giấy phép lao động tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2- Có trình độ chuyên môn được đào tạo, thời gian và kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề như sau: Hạng I: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 7 năm trở lên; hạng II: Có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 4 năm trở lên (quy định cũ là 5 năm trở lên); hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 2 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học (quy định cũ là 3 năm trở lên); từ 3 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên nghiệp (quy định cũ là 5 năm trở lên).

3- Đạt yêu cầu sát hạch về kinh nghiệm nghề nghiệp và kiến thức pháp luật liên quan đến lĩnh vực hành nghề.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/9/2018.

>>> Lịch thi đấu huy chương đồng ASIAD 2018: 15 giờ hôm nay 1/9, Việt Nam gặp UAE, không có hiệp phụ

>>> Giá cả thị trường hôm nay 1/9/2018: Dưa hấu 18 ngàn đồng một kg

>>> Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 1/9/2018: USD, bảng Anh giảm nhẹ

>>> Giá vàng hôm nay 1/9/2018: Có chút niềm tin, giá vàng tăng nhẹ trở lại