Những người âm thầm làm đẹp đường phố ngày Xuân

(VOH) - Chỉ còn vài giờ nữa là đến thời khắc giao thừa, thời điểm chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.

Giờ này, nhà nhà, người người, đang quây quần bên nhau chờ đón Tết, phố xá bắt đầu thưa vắng người, các công sở, các cửa hàng như chìm vào giấc ngủ thanh thản an lành sau một năm bận rộn. Đó cũng là lúc, những công nhân vệ sinh với chiếc áo màu xanh lục, màu vàng cam đặc trưng bắt đầu công việc thường nhật của mình. Để cư dân đô thị được đón buổi sáng đầu tiên của năm mới thật tinh khôi và trong lành.

Nghe bài viết:

công nhân quét rác, công nhân vệ sinh, trực tết

Hình ảnh công nhân quét rác trên đường phố. (Ảnh: LĐO)

Với công nhân vệ sinh đón giao thừa cùng người thân là một điều khá hiếm hoi và xa xỉ. Họ không đón giao thừa bằng những lễ hội tưng bừng hay cùng với người thân bày biện bàn thờ khấn vái cầu trời đất phù hộ một năm an khang thịnh vượng. Và đêm nay, trong lúc nhiều gia đình chuẩn bị mâm cỗ, nam thanh nữ tú xúng xính trong những bộ quần áo đẹp nhất để chờ đón thời khắc thiêng liêng của năm mới. Cũng giống như những ngày bình thường khác, trong cơn gió lành lạnh của đêm 30 Tết, giao thừa với họ chỉ có lá úa, rác, phế thải và những âm thanh sột soạt của tiếng chổi tre là vẫn đều đặn vang lên.

Vừa cùng các con chuẩn bị xong mâm cơm để cúng giao thừa, ông Nguyễn Xuân Tiến, quê Nam Định, ba của chị Nguyễn Thị Oanh, công nhân Công ty TNHH Một thành viên dịch vụ công ích Quận 3, lại chạnh lòng nhớ đến con gái: "Nói chung thì mọi người đầm ấm cả nhưng cháu lớn nhà tôi ở trong miền Nam, 3, 4 năm nay chưa  được về quê ăn Tết. Các em cũng về hết chỉ còn vắng mỗi chị, kể cũng buồn, nhưng giờ cháu công tác làm phu quét rác ngày Tết sao cho sạch sẽ là chúng tôi phấn khởi rồi".

Ở TPHCM, vào thời khắc này, chị Nguyễn Thị Oanh, con gái ông bắt đầu vào ca đêm. Chị kể: Vào làm công nhân vệ sinh ở TPHCM đã 5 năm nay, kết hôn rồi sinh được một cô con gái. Thế nhưng do đặc thù công việc, chồng không chia sẻ khiến vợ chồng phải ly hôn. Chị cũng đã nhiều năm không về quê đón Tết cùng với gia đình. Tuyến đường đêm nay chị quét dọn là khu vực đường Lý Chính Thắng, Quận 3. Với chị, suốt những năm gắn bó với nghề công nhân môi trường, chị cũng như các chị em trong công ty thường không được đón giao thừa cùng gia đình. Công việc đòi hỏi phải tăng ca từ ngày 25 tháng Chạp đến tận Mùng 4, Mùng 5 Tết như chia sẻ của chị.

Đúng là trong thời khắc chờ đợi giao thừa đến, ai cũng hối hả hoàn thành hết những việc cuối cùng trong năm cũ, đôi lúc chúng ta bỏ quên họ, những người hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để làm đẹp Thành phố. Chị Võ Thị Ngọc Dung, công nhân Công ty Dịch vụ công ích Quận Thủ Đức kể, hơn 20 năm làm công nhân vệ sinh, chị chưa từng được đón giao thừa với gia đình. Nhưng niềm vui là thấy đường phố khang trang, sạch đẹp hơn mọi ngày vì thế mà chị cũng vui lây.

"Từ 20 Tết là không nghỉ hàng tuần nữa mà làm suốt cho đến tối mùng 1. Và đêm giao thừa là tất cả các khu ở Quận Thủ Đức phải quét dọn sạch sẽ hết, luôn cả rác dân lập. Hai mấy năm nay có đón giao thừa đâu, nhưng mà mình cũng không có buồn, vì tâm tư nguyện vọng của mình đã đóng góp rồi thì làm đến hưu thôi. Làm ngoài đường cũng vui lắm. Có những bà con thông hiểu cho anh chị em cũng có đi lì xì, lì xì, rồi cho quà", chị Dung cho biết thêm.

Gắn bó với nghề gần 20 năm, anh Trần Kim Long, Công nhân Công ty TNHH Một thành viên công ích Quận 3 vẫn luôn tất bật từng ngày với công việc mà nhiều người cho rằng độc hại nhất. Đẩy chiếc xe rác đồ sộ với đủ thứ rác, phế thải, vừa đi, anh vừa tâm sự: Chiều 30 Tết lượng rác thải tăng cao, tất cả công nhân phải tăng ca để đường phố luôn sạch đẹp, mọi người du Xuân thêm phấn khởi, vui vẻ. Còn về phần anh, Tết hiếm khi nào trọn vẹn, thậm chí còn nhọc nhằn hơn cả ngày thường. 

"Ngày thường thì không vất vả, nhưng đêm giao thừa thì nhà nào cũng đem rác ra ngoài đường thì công việc của mình phải thu nhặt cho sạch sẽ để sáng mùng một mọi người đón Tết. Mình cũng thấy buồn vì đêm giao thừa và mùng một vợ chồng con cái cần có sự sưởi ấm trong gia đình. Một năm chỉ có một lần gặp nhau nhưng cũng nói với vợ con là chuyện của ba làm, của anh làm thì em cũng phải thông cảm", anh Long tâm sự.

Với chị Thủy, vợ anh Long cũng quen với cảnh đón giao thừa chỉ có mấy mẹ con với nhau, rồi cũng thành quen: "Mới đầu cũng buồn buồn, nhưng sau này thấy công việc của anh ấy như vậy thì mình cũng hiểu được".

Tiếng chổi trong đêm chỉ im tiếng sau 1, 2 giờ sáng hôm sau. Người công nhân đón chào năm mới với thân thể mệt nhoài và lưng áo thấm đẫm mồ hôi, nhưng bù lại họ có được niềm sung sướng khôn tả không có bất kỳ ai có được trong ngày đầu năm mới. Đó là khi thấy phố phường được khoác một chiếc áo mới, sạch sẽ tinh tươm để đón những tia nắng đầu tiên chào năm mới.