Những người sáng tạo nội dung cần có trách nhiệm làm sạch không gian mạng

VOH - Ngày 27/5, lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc gặp mặt kết nối ba bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung - KOL.

Hội thảo Kết nối với mạng lưới quản lý đa kênh, các công ty truyền thông và nhà sáng tạo nội dung trên mạng do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức.

kol, mạng xã hội
Lần đầu tiên Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức cuộc gặp mặt kết nối ba bên gồm: cơ quan quản lý nhà nước - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo nội dung - KOL.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, bên cạnh việc chia sẻ những nội dung tích cực thì trên mạng xã hội vẫn tồn tại những người sáng tạo nội dung, người nổi tiếng chủ ý truyền đưa những nội dung nhảm nhí, lệch chuẩn, thậm chí phát tán tin giả, xuyên tạc, vi phạm pháp luật, gây bức xúc trong xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ.

Nhiều nội dung vô bổ, độc hại trên mạng trở thành mảnh đất sinh lời dồi dào, mang lại doanh thu quảng cáo, bán hàng khổng lồ trong khi những thông tin chính thống, bổ ích thì bị mờ nhạt.

Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh và định hướng kịp thời sẽ dẫn đến xu hướng phát triển lệch lạc trong ngành công nghiệp nội dung số, làm mất đi động lực sáng tạo và khả năng cạnh tranh của những nhà sáng tạo nội dung số lành mạnh. Đặc biệt, làm ảnh hưởng quá trình hình thành, phát triển nhận thức và nhân cách của giới trẻ.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhắn nhủ, người làm nội dung cần hiểu rằng hiện nay không gian mạng không còn là không gian ảo, phải tuân thủ Luật An ninh mạng, Luật Công nghệ thông tin, nghị định quản lý - cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Điều quan trọng là phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải, về mặt dân sự và hình sự.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, trực thuộc Bộ Công an Việt Nam) và các đơn vị khác xử lý nhiều trường hợp tung tin giả gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, hay ảnh hưởng đến quyền công dân, quyền trẻ em, truyền bá mê tín dị đoan, gây kích động bạo lực, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc...

Bên cạnh việc yêu cầu các nền tảng khóa các kênh xấu độc, Bộ cũng kết hợp các bên để ngăn chặn các nhân vật tai tiếng bước vào con đường nghệ thuật chính thống, xây dựng chế tài xử phạt nặng, phạt cả bên thuê những người này quảng cáo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định, những người sáng tạo nội dung đang làm ăn, kiếm sống trong một hệ sinh thái chứa nội dung thật - giả đan xen. Vì vậy, họ cần có trách nhiệm làm sạch, không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhắm mắt trước những cái sai.

Việc đưa tiền vào tay những người tạo ra nội dung xấu độc không thể được chấp nhận, mà phải ủng hộ người làm nội dung sạch.

Thứ trưởng cho biết, song song việc tiến tới định danh người dùng mạng xã hội, phạt nặng bên sai phạm, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tạo ra danh sách trắng (White List) tập hợp các kênh có nội dung sạch, từ đó hỗ trợ các kênh này bằng cách kết nối với nhãn hàng, cũng như cơ quan nhà nước như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế...