Nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử

(VOH) - Sáng 12/2, TTCP Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp của UBQG về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT, Chính quyền điện tử Bộ, ngành, địa phương.

Tham dự tại điểm cầu TPHCM có ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố.

Báo cáo đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì triển khai thực hiện trong năm 2019 cho thấy: công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh gắn kết với xây dựng Chính phủ điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì đã có những kết quả tích cực trên tất cả các mặt xây dựng thể chế, thiết lập, vận hành các hệ thống công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước.

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố và các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu TPHCM. 

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đã đi vào nền nếp, cả nước đến nay đã có 55/63 địa phương tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công; tỷ lệ giải quyết đúng hạn hồ sơ đạt tỷ lệ 95.8%. Tổng chi phí xã hội tiết kiệm được từ việc cắt giảm, đơn giản hóa vào khoảng hơn 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương ngày 09/12/2019 đến ngày 09/02/2020, đã có hơn 44.200 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13.4 triệu lượt truy cập; hơn 854.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó có 6.900 hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công quốc gia được xử lý thành công; tiếp nhận, xử lý 4.150 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Có 100% Bộ, ngành, địa phương cam kết đồng hành cùng Văn phòng Chính phủ trong quá trình triển khai, vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến thời điểm này, đã có 09/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố đã kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhìn nhận: “Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử gắn kết với cải cách hành chính, kiểm soát thủ tục hành chính đã đạt được một số kết quả tích cực. Các hệ thống có ý nghĩa lớn trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước, Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, Cổng Dịch vụ công quốc gia trong thời gian ngắn triển khai đã có những thành quả khích lệ, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.”

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh xây dựng Chính phủ điện tử nhất định phải gắn với cải cách hành chính. Phó Thủ tướng cũng quán triệt xây dựng Chính phủ điện tử phải huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh thanh toán điện tử; liên thông dữ liệu; đảm bảo an ninh.

“Chúng ta vẫn phân định các dự án về đô thị thông minh, thành phố thông minh với Chính phủ điện tử quá máy móc. Theo phân định phân công đô thị thông minh, thành phố thông minh chủ trì lại là Bộ Xây dựng, còn Chính phủ điện tử giao cho Bộ Thông tin Truyền thông. Tôi xin đề nghị Thủ tướng phải giao cho Bộ Thông tin Truyền thông trách nhiệm phải làm thiết thực. Hai cái này bản chất suy cho cùng cũng là một, vì bản chất cũng là ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý TP của mình.” -  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói. 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự nỗ lực vượt bậc của các bộ, ngành, địa phương đã có những việc làm mang lại hiệu quả thiết thực như: Rút ngắn thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tăng gấp đôi. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng nước ta đang đứng thứ 88/193 quốc gia trên thế giới và thứ 6/11 nước trong khối ASEAN về xây dựng Chính phủ điện tử, như vậy là còn thấp. Vì vậy, cần tiếp tục nỗ lực để làm tốt hơn. Thủ tướng Chính phủ đề nghị một số đơn vị thực hiện Chính phủ điện tử cần có đánh giá bước đầu về kết quả thực hiện Chính phủ điện tử trong năm 2019 để tiếp tục lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử trong giai đoạn tiếp theo.

“Định hướng chung nhất là chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt hoàn thành mục tiêu nghị quyết 17, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tiếp tục thực hiện mục tiêu chiến lược Chính phủ điện tử giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và kế hoạch hành động đến 2031-2033. Đây là chiến lược định hướng về Chính phủ số, Chính phủ hiệu quả dựa trên phân tích dữ liệu lớn đề ra quyết định cung cấp dịch vụ số mới đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, quá trình lộ trình này phải được triển khai.” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm trực tiếp về triển khai thực hiện Chính phủ điện tử; bộ, ngành, các địa phương quản lý tốt, chống tham nhũng trong thực hiện chính quyền điện tử; kịp thời tháo gỡ các khó khăn, tránh sự chồng chéo trong quá trình thực hiện.

Thanh niên TPHCM hăng hái lên đường nhập ngũ - Sáng 12/2, gần 3.990 thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh đã lên đường nhập ngũ, tham gia nghĩa vụ quân sự năm 2020.
Tin tức tai nạn giao thông hôm nay 12/2/2020: Xe máy đối đầu xe tải, 1 người tử vong thương tâm – Điều khiển xe máy đối đầu với xe tải đi ngược chiều lại lưu thông trên QL8B, người đàn ông tử vong thương tâm.
Bình luận