Thuê người đi bắt Pokemon
Dịch vụ đang nổi bật nhất chính là cày thuê. Cày thuê sẽ có 02 dạng: một là người được thuê sẽ nhận tiền và tài khoản của người thuê để bắt pokemon, nâng cấp level cho nhân vật theo yêu cầu. Cách thứ hai là người chơi có thể mua lại những tài khoản “cày” sẵn.
Bảng báo giá dịch vụ cày thuê Pokemon Go
Mặc dù ở thời điểm đang “nóng” nhưng mức giá được các game thủ đưa ra lại không cao. Giá tiền của những dịch vụ cày thuê hiện tại sẽ được tính trên cấp độ nhân vật, cấp độ pokemon và vật phẩm đi kèm. Thông dụng nhất là cày thuê từ cấp 10 lên cấp 20 dao động khoảng 10 ngàn một cấp, từ cấp 20 trở lên thì khoảng 20 ngàn, 50 ngàn hoặc 100 ngàn một cấp.
Đặc biệt, người nhận cày thuê hứa sẽ cày “có tâm”, săn Pokemon hiếm và cày tay “không hack” để giữ an toàn cho tài khoản người thuê và tránh bị Niantic – đơn vị phát triển Pokemon Go – khóa tài khoản khi phát hiện người chơi gian lận
Những lời chào mời nhận cày thuê
Hiện dịch vụ này đang xuất hiện dày đặc trên các trang mạng xã hội và diễn dàn game. Chỉ cần lên Google tìm kiếm với cụm từ “cày thuê Pokemon” là có hàng ngàn lời giới thiệu, quảng cáo với đủ mức giá và lời hứa hẹn.
Ở mặt tích cực, dịch vụ cày thuê hay mua bán tài khoản sẵn có giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho những người không có nhiều thời gian di chuyển như dân văn phòng hay những người muốn thể hiện mình là người “thức thời”với các “game”.
Tuy nhiên, việc mua bán hay cày thuê Pokemon Go hoàn toàn đi ngược với tiêu chí của những người phát triển trò chơi này mong muốn người dùng sẽ vận động và ra ngoài giao lưu với nhau.
Bắt Pokemon hiếm cũng có thể thuê.
Ngồi nhà bắt Pokemon “độc” bằng phần mềm
Pokemon Go là trò chơi dựa trên sự vận động của người dùng. Người dùng phải di chuyển bắt Pokemon, đến những Pokestop để nhận “ball” (quả cầu dùng bắt Pokemon) hay vật phẩm, đến phòng “gym” (phòng chiến đấu) để rèn luyện pokemon, chiến đấu và phải “đi bộ” đúng số Km yêu cầu để ấp cho trứng Pokemon nở ra… Do đó, tuyệt chiêu được nhiều người quan tâm nhất chính là làm bắt Pokemon mà không phải di chuyển nhiều.
Cách “hack” game Pokemon Go được các trang mạng giới thiệu là dùng phần mềm để gian lận giả mạo GPS để đến các địa điểm nhiều Pokemon, Pokemon độc, nhận vô số vật phẩm từ pokestop hoặc chiếm phòng Gym mà không cần phải vận động.
Một dịch vụ miễn phí để bắt Pokemon mạnh.
Các công cụ “hack” Pokemon hiện được tạo miễn phí và được nhiều game thủ chia sẻ qua mạng xã hội, thậm chí còn quay video để hướng dẫn chi tiết hay thậm chí nhiệt tình phúc đáp cho những thắc mắc trong quá trình “hack” game.
Việc “hack” Pokemon Go nhanh chóng tạo nên sự bất bình trong cộng đồng người chơi Pokemon. Dù biết là chơi “vui là chính” nhưng cảm giác mình phải chạy tới chạy lui 2 – 3 ngày mới lên một cấp trong khi đó có những người chơi ở nhà mà lên cấp vù vù mà còn có thêm nhiều Pokemon hiếm là khó chấp nhận. Ngoài ra, các game thủ cũng khó chịu khi các gym - phòng chiến đấu bị chiếm giữ hàng loạt bởi các game cấp cao – điều mà nếu chỉ “cày” chân chính từ 5/8 đến nay không thể đạt được.
Hướng dẫn chi tiết cho người cần.
Việc “hack” Pokemon Go tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho người dùng vì dùng phần mềm gian lận có thể ảnh hưởng tới sự ổn định của điện thoại di động, các phần mềm gián điệp vào máy và đặc biệt là khả năng bị khóa tài khoản. Theo thông tin từ Niantic, thời gian tới họ sẽ quyết liệt xử lý các game thủ sử dụng phần mềm để gian lận game, nhằm mang lại công bằng cho người chơi.
Sự quyết liệt “triệt” người chơi gian lận của Niantic là hoàn toàn có thể xảy ra khi đơn vị này đã từng khóa IP của các nước chưa được chính thức trải nghiệm Pokémon GO như Việt Nam, trong đợt ra mắt vào tháng 7 vốn chỉ dành cho Nhật Bản, Úc và New Zealand. Trong khi đó, game thủ Việt đã tìm cách “hack” để chơi game khiến cho server Úc quá tải và buộc Niantic mạnh tay chặn IP Việt Nam với game Pokemon Go. Do đó, nếu có ý định "ngồi mát ăn bát vàng" với Pokemon Go, người chơi nên đặc biệt cẩn trọng, kẻo "mất cả chì lẫn chày".
Sáng tạo của người chơi trong việc ấp trứng Pokemon.