Nơi dòng lũ vừa qua

(VOH) - Thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm này, lũ quét trong những ngày đầu tháng 10 ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An đã làm chết 1 cháu bé 4 tháng tuổi tại bản Sơn Hà (xã Tà Cạ).

Bên cạnh đó, 233 ngôi nhà bị thiệt hại, trong đó 56 nhà bị trôi, sập hoàn toàn, 141 nhà hư hỏng nặng, 36 nhà phải di dời khẩn cấp. 118 chiếc xe bị vùi lấp, trôi 72 xe máy cùng nhiều tài sản giá trị khác…

Các tuyến đường giao thông trên địa bàn bị sạt lở nặng, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 7A trên địa bàn xã Tà Cạ, Mường Xén đi Cửa khẩu Nậm Cắn. Tổng thiệt hại khoảng hơn 200 tỷ đồng

Trước tình hình khẩn cấp, chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt của Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bằng nhiều cách đã tức tốc kêu gọi thính giả, những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay hướng về Kỳ Sơn.

Hơn 600 triệu đồng nhanh chóng được đóng góp sau 3 ngày và ngay trong ngày 6/10, chương trình đã ra Nghệ An để kịp thời hỗ trợ cho người dân.

Mặc dù đã xem các video và hình ảnh được các phương tiện truyền thông đăng tải nhưng khi tiếp cận các bản Hòa Sơn, Sơn Hà tại huyện Kỳ Sơn thì chúng tôi hoàn toàn bất ngờ vì những gì đã chứng kiến. Giữa ngổn ngang đất đá, bên căn nhà “nhét” đầy bùn đất từ núi đổ về, người mẹ trẻ tên La Thị Mai ngồi đó thẫn thờ. Chị sinh con gái vừa tròn 10 ngày thì lũ ập đến. Người mẹ ấy đã gắng hết sức mình ôm con cố gắng chạy thật xa. Trở về thì đã không còn gì nữa, căn nhà cũng không còn. Đứa con trai lớn ngủ ngon lành trên manh chiếu nhặt được giữa nền đất lạnh.

Rồi thì bên trên đống đất đá, vợ chồng anh Vi Văn Thông nói rằng, nơi đây chính là nhà của mình. Lũ quét, nhà không còn, vợ thì không bao lâu nữa sẽ sinh con. Anh Vi Văn Thông thực sự không biết phải tìm đâu một chỗ nằm nếu ngày mai con chào đời.

Nơi dòng lũ vừa qua 1
Nơi mà vợ chồng anh Vi Văn Thông đang đứng chính là vị trí của căn nhà đã bị lũ cuốn trôi.

Càng đi sâu vào bản, chúng tôi càng thấy rõ sự mất mát đau thương mà lũ quét để lại cho bà con nơi đây. Để đến với từng ngôi nhà, từng gia đình, ekip chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt phải băng qua những cánh đồng ken đặc đất đá. Có người nói đây vốn là ruộng lúa, đây là vườn rau, là ngôi nhà… Nhưng giờ thì không còn gì cả. Cô giáo Thương lục lọi lôi ra những quyển tập trong đống đất đá. Chị tên Zen Ca thì moi tìm lôi ra mấy chiếc quần áo nhuộm màu bùn đất.

Giữa dòng nước vẫn cuồn cuộn, có người tranh thủ giặt cái áo, cái mền để tối nay còn có cái mà đắp ngủ. Người già người trẻ, ai nấy đều như lạc giọng khi kể về trận lũ quét, kinh hoàng, mất hết rồi:

"Chạy lên quá thì chân đồi đang sạt lở. Nhìn lên trên đầu thì dây điện chằng chịt thì sợ sét đánh. Cả 6 hộ gia đình em sống trong cùng ni là cô lập, cứ nói kiểu ni chắc không còn sống nữa rồi. Cứ nghĩ đến chết thôi, nhà cửa trôi hết rồi. Đứng giữa trời ôm nhau khóc"

Đau lòng nhìn căn nhà của mình trôi theo nước. Nước đập vào, đập mạnh theo bờ tường. Không diễn tả được, mình chỉ biết khóc thôi.Công sức của mình cả năm trời, mình già đến vậy rồi mới làm được căn nhà; mình nhịn ăn nhịn mặc để làm giờ theo gió theo mây. Cuộc đời này không biết còn dựng được cái nhà ở nữa không.

Nước lũ ở trên bản Sơn Hà chảy xuống cuốn theo tất cả đất đá lấp con đường như dòng sông và sâu. Ruộng lúa cũng một dòng sông luôn. Nhà cửa rồi đồ đạc trong gia đình trôi hết. Dòng sông chảy xiết và không ai vớt vát được gì cả. Em thương dân quá, thương dân thương đồng nghiệp. Cả đời người, 20 năm trời dành dụm mua được chút đất làm 1 ngôi nhà, giờ không còn gì nữa cả. Vợ gọi điện nói anh ơi nhà trôi hết đồ đạc rồi, mẹ con chạy đi thôi. Một tí thì báo anh ơi nhà mình trôi hết rồi. "7 giờ là nước to mạnh, hắn đâm thẳng nhà luôn. Lúc chạy đi với đi kiếm con là kinh hoàng luôn. Nước đập mạnh và to, không tưởng tượng luôn, kinh hoàng luôn. Không ngờ là nó mạnh như rứa. Chạy thật nhanh đi kiếm con. Tìm thấy con là ôm con khóc thôi, 2 mẹ con khóc.

Hai bố con, cõng con chạy, cầm giấy tờ tùy thân chứ không lấy được một cái đồ gì. Chạy lên vùng cao hơn. Bây giờ tuyệt vọng, mất mát quá lớn, mất quá nhiều. Công sức mình đổ ra giờ mất hết. Tình cảm cũng mất, vật chất cũng mất, mất đủ đường.

Bây giờ 3 mẹ con không có nhà để mà ở. Xin ở với họ đến ngày nào hay ngày đó. Bây giờ nói thật là không có chỗ để mà vào. Ông chồng mất được 6,7 năm rồi"

Có lẽ phải thật lâu thì những ký ức kinh hoàng ấy mới có nguôi ngoai trong trí nhớ của hàng ngàn người dân sống ở thị trấn Mường Xén và các bản của xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn. Nơi dòng lũ đi qua gần như không còn gì cả. Phải rất lâu sau thì ông Lô Văn Sơn mới có thể nguôi ngoai phần nào khi vợ mất nhưng nhà không còn, ông chỉ có thể đặt di ảnh của vợ trên tấm ván và hy vọng rằng ở nơi nào đó bà sẽ không bị ướt lạnh.

Nơi dòng lũ vừa qua 2
Ông Lô Văn Sơn thẫn thờ khi vợ mất mà không có chỗ để đặt di ảnh của bà.

Với chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt, ngay khi đặt chân đến thị trấn Mường Xén, chúng tôi đã chia làm 3 nhóm để vào hỗ trợ người dân. Đường đi rất khó khăn, có nơi đang đi thì người dân la lên vì lo sợ đất sụt xuống. Rồi thì rất nhiều lần biên tập viên Hồng Thúy bị lún phải nhờ kéo lên vì đất sình khô mặt trên khó nhận biết. Dẫu vậy thì chúng tôi vẫn đi vì biết mơ ước lớn nhất của bà con lúc này là có tiền dựng lại căn nhà, mua những vật dụng cần thiết, mua cái áo cái quần để mặc. Vậy nên, khi cầm trên tay 10 triệu đồng, 5 triệu đồng hay 15 triệu đồng do Sát cánh cùng gia đình Việt hỗ trợ, nhiều người đã xúc động, run run khi số tiền nhận được là rất lớn:

"10 triệu à? Ai mà nói 10 triệu là ít đó. Lớn rồi đó, không có. Trước có nhưng 1, 2 triệu. cái ni lớn lắm đó, không phải chơi mô. Lớn lắm đó, cảm thấy mừng quá. Các con về giúp ở đây, không quên được mô, nhớ khi mô ôn chết mới thôi.

Bản làng tan hoang mà những đồng tiền như thế đến với bản làng như thế này quá là lớn lao, ai cũng hạnh phúc thực sự. Số tiền 5 triệu, 10 triệu được trao đúng với hoàn cảnh, ta đi đến nơi, từng gia đình một.. Mọi người cũng thấy niềm hạnh phúc trên những khuôn mặt khi nhận được cái phong bì với 1 số tiền lớn đối với họ như vậy. cảm ơn chương trình rất nhiều.

Hai thứ tóc rồi mới làm được từng nớ đồ đạc giờ trôi hết rồi không lấy lại được, tan hoang như thế này chưa khi nào từng thấy. Giờ nhờ các nhà hảo tâm giúp đỡ, rất cảm ơn và hạnh phúc gia đình không biết sao tả nỗi.

Khóc thì cũng không thành tiếng nữa. Đi đâu cũng chỉ thấy người dân ôm nhau khóc, bất lực không biết làm gì trước cơn lũ ập về mạnh như vậy. Hôm nay được sự quan tâm của đoàn đến với bà con nhân dân trong bản thì phải nói sự chia sẻ, quan tâm này rất thiết thực. Bởi vì trong những lúc khốn khó thế này thì sự chung tay lá lành đùm lá rách thì với người dân cực kỳ quan trọng. Và đây cũng là phần quà có thể giúp người dân cơ bản sắm lại một số vật dụng trong gia đình để vượt qua những ngày khó khăn.

Tên tôi là Lương Văn May - Phó chỉ huy quân sự xã Tà Cạ. Lũ quét về rất khó khăn, dân bản không được, cô lập hoàn toàn, di dân lên đồi cũng rất khó vì nguy cơ sạt lở. Tôi rất cảm ơn Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM đã đến hỗ trợ dân làng của chúng tôi"

Trong các ngày 6 và 7 tháng 10, chương trình sát cánh cùng gia đình Việt sẽ hỗ trợ 25 gia đình không còn nhà cửa, mỗi hộ 10 triệu đồng; 50 gia đình bị thiệt hại một phần nhà cửa và tài sản là 5 triệu đồng mỗi hộ. Những trường hợp đặc biệt là 15 triệu đồng. Ngoài ra, hỗ trợ hai điểm trường bị ngập bởi đất đá, bàn ghế, trang thiết bị bị cuốn trôi, mỗi trường là 60 triệu đồng.

Đặc biệt trong ngày hôm nay 7/10, ekip chương trình sẽ đến với 1 ngôi làng có đến 6 căn nhà bị lũ cuốn phăng, 35 căn nhà bị hư hỏng nặng và hầu như chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ các đoàn thiện nguyện. Ở đó, theo tình nguyện viên của chương trình thì bà con đang rất cần sự chia sẻ của đồng bào.

Nơi dòng lũ vừa qua 3
Người dân bị thiệt hại do lũ quét ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nhận hỗ trợ của Chương trình Sát cánh cùng gia đình Việt (VOH)

Những bản làng ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An – 1 trong 9 huyện nghèo nhất của cả nước, nơi dòng lũ vừa đi qua, vẫn còn rất ngổn ngang.        

Mặc dù cơ quan chức năng đã lập tức huy động sức người và sức của giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ, nhưng thiệt hại là quá lớn. Chính vì thế, hơn bao giờ hết người dân rất cần sự đồng hành, góp sức chia sẻ của đồng bào. Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chắc chắn cũng sẽ tiếp tục hướng về Kỳ Sơn, cùng các nguồn lực giúp bà con tái thiết cuộc sống sau lũ./.

Bình luận