Nỗi lòng người dân nhập cư rời thành phố mùa dịch

(VOH) - Những ngày gần đây, lượng người lao động nhập cư tại một số thành phố lớn đang rời thành phố để về quê khá đông.

Mỗi người một lý do khác nhau để chọn cách ra đi vào thời điểm này. Người thì lo sợ dịch bệnh Covid - 19 do phải thường xuyên nghe và chứng kiến nhiều thông tin xấu liên quan đến dịch bệnh; người thì cầm cự, gồng mình trong một thời gian dài chống dịch, kinh tế cũng đã suy kiệt; có người thì nhớ gia đình sau bao ngày giãn cách chưa được về quê; cũng có những người bị tâm lý đám đông nên cũng muốn rời Thành phố trong lúc này…

Dù với những lý do gì thì mỗi người đều có nỗi lòng riêng. Đề cập đến vấn đề này và những hệ lụy, ảnh hưởng phía sau đó, VOH có loạt bài 2 kỳ: “Giải bài toán đảm bảo nguồn nhân lực cho giai đoạn bình thường với, kỳ 1 có nhan đề: Nỗi lòng người dân nhập cư rời thành phố mùa dịch.

vể quê
Đông đảo người dân ở các tỉnh rời TPHCM về quê. Ảnh minh hoạ

Sau gần 4 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ khác nhau, Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn Thành phố. Trong đó có nới lỏng một số hoạt động lưu thông, sinh hoạt cho người dân thành phố, đã góp phần tháo gỡ bớt một số khó khăn cho người dân thành phố nói chung cũng như mở cửa thị trường để các tỉnh, thành lân cận đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tại một thị trường lớn của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, nhiều người lao động nhập cư đã tổ chức thành nhiều đoàn để trở về quê bằng phương tiện cá nhân. Việc này đã gây không ít khó khăn cho thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh thành nói chung trong công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là dự báo khó khăn trong việc hoạt động sản xuất kinh doanh sau dịch Covid-19 do thiếu hụt lao động.

Theo anh Lý Quang Hải, một công nhân may quê ở tỉnh Bến Tre cho biết: vợ, chồng anh từ dưới quê lên thành phố làm việc đã mười mấy năm nay, con gái gửi ông bà ở quê giữ, hàng tháng vợ chồng làm công nhân may tích góp tiền để gửi về lo cho cha mẹ già và con nhỏ. Do dịch bệnh kéo dài, chẳng đặng đừng anh phải về quê, vì mấy tháng nay không đi làm được, không có thu nhập, kinh tế càng lúc càng eo hẹp. Dù gì ở quê dễ sống hơn trong lúc này, nhà có gì ăn nấy và lại được gần gia đình hơn. Trao đổi qua điện thoại, hiện anh Lý Quang Hải đã về quê ở Bến Tre sau nhiều năm mưu sinh tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh Hải tâm sự: “Do dịch bệnh, sợ lây nhiễm chứ đâu muốn về quê, khổ lắm. Mình gồng gánh mấy tháng trời, 3-4 tháng dịch rồi, không làm ra tiền, tiền trọ, tiền ăn, tiền gạo không có để mà trả, còn không có tiền gửi về quê nuôi con. Về quê có cháo ăn cháo, có rau ăn rau, thoải mái hơn”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Loan, ở Quận 10, làm công nhân may hơn 20 năm ở đất Sài Gòn. Chị cho biết, trong mùa dịch, chị và những đồng nghiệp ở chung với nhau cũng rất nhớ nhà. Cả nhóm phải ở nhà chống dịch, không đi làm, không có thu nhập, sự hỗ trợ từ nhà nước chỉ giúp được phần nào khó khăn. Vừa không có việc làm, vừa nhớ gia đình nên thấy mọi người kéo nhau về quê thì chị cũng có tâm lý muốn về.

“Tâm lý người Việt mình, muốn về quê với gia đình. Nói chung thì cũng không phải do đói quá, mà mong muốn về của nhiều người từ lâu rồi. Miền Tây thì lúc trước ít nhất 2 tuần về 1 lần. Còn bây giờ mấy tháng rồi thì tất nhiên mong muốn về gia đình nhiều hơn. Nhưng mà nhà nước hỗ trợ kỳ quá, người có người không. Có quận, có phường làm tốt, có phường, có quận thì chưa tốt. Ở nhà, không có tiền thì làm sao nhờ đi chợ hộ được. Cũng may là công ty mình có nhà lưu trú, còn không phải đóng tiền nhà trọ, sẽ khó khăn hơn nữa”, chị Loan cho biết.

Anh Nguyễn Hoàng Thạnh, công nhân công ty may hàng nội thất ở quận Tân Phú, cho biết cố gắng ở lại thành phố, cầm cự để qua mùa dịch, hy vọng mọi thứ trở lại bình thường để tiếp tục đi làm. Tuy công ty có tổ chức làm 3 tại chỗ nhưng vẫn còn manh mún, hàng hóa còn ít. Vừa làm, anh vừa dò hỏi nhiều công nhân khác mà mình quen biết để xem tình hình như thế nào. Nhìn chung có nơi làm 3 tại chỗ ổn định thì công nhân có bức bách về nơi làm việc nhưng không ảnh hưởng đến thu nhập, có nơi thì tạm dừng sản xuất, nghỉ chờ việc, do đó ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người lao động.

“Nguyên nhân người dân đi về quê, thứ nhất là không được doanh nghiệp hỗ trợ, nay đã hết tiền, đâu đủ sống đâu. Với lại người ta sợ chết, sợ dịch bùng phát lại thì không sống được nên kéo về quê. Với lại nhiều người bỏ về quê không phải công nhân, mà đa số là những người làm tự do, chứ công nhân thì ít”, anh Thạnh nói.

Người xưa có câu: “đất lành chim đậu”. Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước, luôn vì cả nước, cùng cả nước. Lúc này, dịch bệnh khó khăn, diễn biến phức tạp, thành phố đã hỗ trợ hết sức mình để làm sao tốt nhất cho người dân đang sinh sống trên địa bàn. Tuy nhiên, sức người có hạn trước đại dịch quá lớn, chi phí sinh hoạt, tâm lý ở những khu vực nhà trọ, đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê. Điều này làm cho các doanh nghiệp tại TPHCM đối diện nhiều khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, nhất là khi thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp phục hồi, tái sản xuất trong những tháng cuối năm.

(Còn tiếp)