Chờ...

Nguy cơ đứt gãy nguồn nhân lực sau tác động của đại dịch Covid-19 (Bài 1)

(VOH) - Khi TPHCM trở lại trạng thái bình thường mới, việc phục hồi sản xuất chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do nhân lực lao động bị đứt gãy nghiêm trọng sau làn sóng hồi hương.

TPHCM và các tỉnh thành phía Nam đang trải qua hơn 3 tháng thực hiện giãn cách xã hội theo nhiều mức độ khác nhau. Ở đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, hàng chục ngàn doanh nghiệp đã giải thể và tạm dừng hoạt động; hàng triệu lao động thất nghiệp, buộc phải về quê vì không đủ khả năng trụ lại thành phố với mức sinh hoạt đắt đỏ trong mùa dịch. Số lao động ấy chưa biết ngày nào sẽ trở lại làm việc.

Riêng với số ít doanh nghiệp còn lại hoạt động cầm chừng với mô hình “3 tại chỗ” để đảm bảo đơn hàng theo hợp đồng đã ký dù chi phí bị đội lên rất nhiều. Điều các doanh nghiệp quan tâm hơn nữa là khi Thành phố kiểm soát được dịch, các hoạt động mở cửa trở lại, việc phục hồi sản xuất chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn do nhân lực lao động bị đứt gãy nghiêm trọng sau làn sóng hồi hương diễn ra từ tháng 7, tháng 8 trở lại đây.

Hiện nay, nhiều địa phương vẫn có kế hoạch đưa con em của mình về quê khiến nỗi lo về nhân lực của các doanh nghiệp càng thêm chất chồng.

giãn cách xã hội, mở cửa, nguồn nhân lực
Nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ ở quận 1 vẫn chưa mở cửa, chỉ cắt cử bảo vệ trực.

Xem thêm: Doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng dồi dào để mở cửa trở lại

Gần 2 tháng đã trôi qua nhưng bây giờ nhắc lại, vợ chồng chị Võ Thị Ngọc Hoa, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa vẫn không thể nào quên được hành trình vượt hơn 1.000 km bằng xe máy từ TPHCM về quê hồi 31/7 vừa rồi.

Biết trước là chuyến đi sẽ vô cùng vất vả nhưng theo chị, đó là lựa chọn duy nhất vì không thể trụ lại ở TPHCM thêm một ngày nào nữa. Làm công nhân may ở TPHCM hơn 8 năm qua, nhưng từ đầu tháng 6, khi công ty thông báo tạm ngưng công việc để thực hiện giãn cách xã hội theo chủ trương của Thành phố, anh chị đã cảm thấy lo lắng.

Nghĩ rằng chỉ một, hai tuần rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, công việc sẽ lại như cũ, vợ chồng anh chị cố gắng chờ… nhưng 1 tháng, 2 tháng trôi qua mà tình hình vẫn không mấy khả quan, tiền tiết kiệm cũng đã hết, anh chị đành phải hồi hương.

Hành trình vội vã vượt cả 1.000km của anh chị và con trai 2 tuổi bằng xe máy, vì lúc đó tàu, xe, máy bay đều đã ngừng hoạt động. Chị Hoa nhớ lại, lần đầu đi xe máy đường dài, vợ chồng con cái ai mắt cũng đỏ hoe vì mưa gió, bụi đường. Mệt thì ngủ vội bên vệ đường vài chục phút sau đó lại đi tiếp. Chọn hành trình hồi hương ấy vì theo chị, dù sao ở quê nhà cũng sẽ dễ sống hơn là nếu cứ tiếp tục trụ lại TPHCM.

Chị chia sẻ: “Không còn cách nào khác vì máy bay cũng không về được mà ô tô cũng không được nên vợ chồng con cái đành phải liều, bỏ hết các thứ. Đi tới ngày thứ 3 là mệt, em ngồi sau xe cho con bú. Đi tới các chốt gặp các chú công an họ cho nghỉ tạm chứ nhiều nhà dân họ không cho nghỉ”.

Theo thống kê, cho đến hết tháng 8 năm nay, cả nước đã có hơn 85.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó riêng TPHCM có 24.000 doanh nghiệp, chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui.

Điều đó cũng đồng nghĩa là còn có hàng triệu lao động ở TPHCM và một số tỉnh lân cận cũng buộc phải chọn hành trình về nhà đầy vất vả như thế. Theo các chuyên gia kinh tế, số lao động thất nghiệp về quê những tháng qua, phần lớn là lao động phổ thông, công nhân ngành dệt may và da giày.

Ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TPHCM, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Việt Thắng Jean cho hay: đặc thù của ngành dệt may là sử dụng lao động rất đông nên khó thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Chỉ có khoảng 10-15% doanh nghiệp trong ngành đủ điều kiện thực hiện, còn lại phải đóng cửa. Do vậy, nhân lực của ngành đã về quê không ít.

“Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 này diễn biến phức tạp, lây lan nhanh nên các doanh nghiệp dệt may phải thực hiện giãn cách thay vì sản xuất bình thường như trước đây. Điều đó làm ảnh hưởng đến người lao động. Không ít người đã về quê, nên khó khăn hiện nay là chúng tôi đang thiếu hụt khoảng 20% nhân sự khi đã có đơn hàng để phục hồi sản xuất, lao động mới thì tay nghề không cao. Nhân lực có ảnh hưởng lớn đến ngành sau dịch” - ông Việt cho biết.

Tương tự, ông Chung Tấn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa TPHCM cũng bày tỏ lo ngại về nguồn lao động để phục hồi sản xuất sau dịch. Hiện nay, trên 80% doanh nghiệp ngành nhựa ở TPHCM gặp khó khăn, số còn lại phải cắt giảm lao động hoặc sản xuất cầm chừng.

Theo ông Cường những doanh nghiệp nhựa dựa hoàn toàn vào xuất khẩu hiện nay đều không có đơn hàng và tình trạng này kéo dài môt thời gian nên đã ngưng hoạt động, công nhân - kể cả người lành nghề cũng nghỉ việc. Vì thế, khi dịch kết thúc, doanh nghiệp có đơn hàng lại sợ không tìm ra nguồn nhân lực, đặc biệt là công nhân tay nghề cao để thực hiện đơn hàng. Nên điều cần nhất là chúng tôi mong làm sao giúp đỡ về chính sách để giữ lại công nhân tay nghề cao để bắt tay vào khôi phục sản xuất sau dịch Covid-19.

Không chỉ lao động phổ thông, nhóm ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm như du lịch, dịch vụ, truyền thông số lượng người lao động thất nghiệp hồi hương cũng không ít.

giãn cách xã hội, mở cửa, nguồn nhân lực
Một khu vui chơi ở Phú Quốc được đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng vắng bóng du khách 4 tháng qua.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Group cũng cho biết, đến nay, toàn bộ hệ thống nhân lực của đơn vị này chỉ còn 50 người làm việc so với hơn 1.700 nhân sự trước đó.

Điều ông lo ngại là khi dịch được kiểm soát, các hoạt động được mở cửa trở lại, việc thu hút nhân lực quay lại cũng khó khăn. “Không chỉ TPHCM mà toàn bộ công ty lữ hành trên toàn quốc đều dừng hoạt động. Trong quá trình dừng như thế, các doanh nghiệp đều bị kẹt trong thế phải giữ người lao động. Bản chất của lữ hành, tài sản lớn nhất của lữ hành là chất xám của người lao động. Khi muốn giữ họ lại thì buộc phải trả lương, mà chúng tôi lại không có dòng thu để làm việc đó nên lại phải để người lao động ra bên ngoài. Con số này phải lên đến hàng chục ngàn người.

Đây là những nguời có kinh nghiệm, có chất xám, làm việc hàng chục năm trong ngành du lịch, họ rất khó đào tạo nhưng chúng tôi cũng buộc phải đưa họ ra”,  ông Kỳ nói.

Rõ ràng, cùng với tác động của đứt chuỗi cung ứng về nguyên nhiên vật liệu, thì nguy cơ đứt chuỗi cung ứng về lao động do đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 này đã hiện hữu.

Tại buổi tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TPHCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do báo Người lao động tổ chức mới đây, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nhân - Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu phải mất từ 3 - 9 tháng, còn để khôi phục nguồn nhân lực, cả lao động phổ thông và lao động có tay nghề, những vị trí lao động kỹ thuật, phụ trách chuyên môn sẽ phải gặp khó khăn với thời gian nhiều hơn thế.

Ông Vũ Minh Tiến khẳng định: “Để khôi phục đứt gãy về nhân lực phải cần thời gian dài gấp 3 lần đứt gãy nguyên liệu, chứ không phải ngày một ngày hai. Nhiều công nhân khi về địa phương họ cũng có cơ hội tìm được công việc, dù thu nhập không cao như ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai nhưng bù lại điều kiện ăn ở tiện hơn. Họ so sánh và có sự lựa chọn thông minh để ở lại quê nhà. Đây là quan hệ cung cầu lao động, đòi hỏi muốn thu hút họ lại thì phải có chế độ chính sách lương thưởng hấp dẫn hơn để họ đảm bảo cuộc sống tốt hơn, từ đó mới mong họ quay lại TPHCM, quay lại với các khu chế xuất, khu công nghiệp”.

Việc đóng cửa hoạt động của một số doanh nghiệp là trường hợp bất khả kháng, buộc phải chấp nhận để đảm bảo an toàn cho tất cả doanh nghiệp đang sản xuất còn lại. Thời gian tới, khi các hoạt động được mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh sản xuất để khôi phục và tái phát triển kinh tế, tuy nhiên viễn cảnh trước mắt sẽ vô cùng khó khăn vì nguy cơ đứt gãy nguồn cung lao động đã thấy rõ.

Từ nay đến cuối năm, như mọi khi sẽ bước vào giai đoạn cao điểm sản xuất hàng hóa của doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu dùng cuối năm. Các doanh nghiệp cũng xác định kêu gọi người lao động trở lại TPHCM lúc này không hề dễ, dù rằng công việc này đã được chuẩn bị từ trước đó rất lâu.