Tại Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, các đại diện bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng phân tích, nêu ra những kết quả, thành tích quan trọng mà Tây Nguyên đã đạt được trong thời gian qua, cũng như chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về vùng Tây Nguyên, cần chú trọng quán triệt thật đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc ý nghĩa, mục đích, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết; nắm vững các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Đồng thời, cần đạt được sự thống nhất cao trong nhận thức từ người dân, doanh nghiệp cho đến lãnh đạo các cấp, ngành tại địa phương.
Đổi mới tư duy về liên kết vùng, tiểu vùng; về cơ chế chính sách đặc thù, phân bổ nguồn lực, khai thác tận dụng tiềm năng lợi thế vùng, tiểu vùng, cũng như tư duy trong giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia tại vùng; các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tiểu vùng. Trong đó, nhận thức rõ và giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước.
Tổng Bí thư yêu cầu các địa phương khắc phục tư tưởng bằng lòng, bị động, chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Trung ương; quyết tâm không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.
Để kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững hơn, cần tăng cường sự hỗ trợ của Trung ương, sự hợp tác, giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, qua đó thúc đẩy tăng trưởng.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tư duy, địa phương cần phối hợp với cơ quan ở Trung ương đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng, trong đó quan tâm triển khai các chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng.
Xây dựng, tổ chức thực hiện thật tốt Quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặt ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện, coi đây là nhân tố hàng đầu có tính quyết định. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền.
Kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW. Phấn đấu để các thôn, bản ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đều có đảng viên và chi bộ đảng; thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và thế hệ trẻ, đảm bảo chất lượng, số lượng cũng như cơ cấu hợp lý, có tính kế thừa trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện lớp cán bộ kế cận, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và đoàn thể nhân dân.
Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Tổng Bí thư chỉ đạo sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng ở Trung ương, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị của các địa phương trong vùng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, chương trình học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết Đại hội đảng bộ các tỉnh.
Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện, ban hành Quy hoạch phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo cơ sở để các địa phương trong vùng xây dựng quy hoạch phát triển của địa phương mình.