Sáng nay 13/3, Hội đồng Nhân dân TPHCM có buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về việc khảo sát tình hình triển khai thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.
Theo quy trình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn theo QĐ44/2018 của UBND TP.HCM, việc thu gom rác sẽ thực hiện cách ngày. Rác hữu cơ sẽ được thu gom vào thứ hai, tư, sáu và chủ nhật; ba ngày còn lại thu gom rác tái chế và chất thải còn lại.
Tuy nhiên, theo khảo sát ở nhiều quận, huyện cho thấy rác sinh hoạt phần lớn vẫn được người dân cho chung vào một bịch nilông rồi đem bỏ. Cũng có những hộ tiến hành phân loại rác tại nguồn nhưng số lượng chưa nhiều. Hoặc đội ngũ thu gom vẫn gom chung vào một xe.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM về việc khảo sát tình hình triển khai thực hiện công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn TP.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, sau thời gian thực hiện có 5 quận, huyện đã vận chuyển trực tiếp chất thải hữu cơ sau phân loại đến khu xử lý chất thải của TP gồm quận 1 (100 tấn/tháng); Quận 5 (50 tấn/tháng); Quận 6 (7 tấn/tháng), Quận 12 (411 tấn/tháng) quận 8 (154 tấn/tháng). Khối lượng chất thải hữu cơ vận chuyển đến 2 khu xử lý năm 2018 là trên 6.400 tấn/tháng, trong tháng 01 năm 2019 là trên 6.600 tấn/tháng.
Nguyên nhân các địa phương đến nay vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ từ quá trình phân loại đến thu gom, xử lý chất thải rắn sau phân loại nên hiệu quả đạt được còn thấp do tần suất tuyên truyền vận động tại các địa phương chưa thường xuyên và liên tục.
Chính quyền địa phương chưa quy định thời gian thu gom, chưa kiểm tra, nhắc nhở người dân, hộ gia đình, bỏ nguồn thải đúng quy định. Chưa tổ chức thực hiện thu gom chất thải sau phân loại. Mặc dù việc thu gom chất thải cách ngày hiện nay là giải pháp tối ưu nhất, tuy nhiên việc điều phối các lực lượng này còn gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Nhựt – Phó Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP nhận xét, sự vào cuộc của các sở, ban ngành còn chậm, chưa có sự kiểm tra giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó việc chuyển đổi phương tiện, dụng cụ thì với một số tiền quá lớn chúng ta cần cân nhắc lại xung quanh việc tiếp cận chính sách cho vay vốn cần phải đồng bộ, phải đóng vai là người đi vay thì mới biết họ khó chỗ nào để tháo gỡ. Vì thực tế cơ sở pháp lý hiện nay đã đầy đủ nhưng triển khai về địa phương thì vẫn chưa nắm được là họ đã thực hiện đến đâu rồi:
"Đặc biệt là sớm ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và quản lý lực lượng thu gom rác dân lập. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là chúng ta nên triển khai đồng loạt trên toàn TP hơn là triển khai theo từng cụm dân cư.
Vì khi triển khai toàn TP thì sự đồng bộ từ từ sẽ hình thành. Nếu chúng ta co cụm thì người dân và cơ quan thực hiện vẫn dòm ngó qua lại thì sẽ vẫn dậm chân tại chỗ. Và câu chuyện cuối cùng là phải kiểm tra, giám sát".
Ông Nguyễn Tấn Tuyến – Phó Trưởng ban Đô thị Hội đồng Nhân dân TP cho rằng: hiện phương tiện thu gom còn thô sơ, chính sách cho vay chuyển đổi phương tiện thu gom còn vướng. Tuy nhiên, theo ông thì dân cư mỗi quận, huyện có một đặc thù riêng, do đó mỗi quận huyện cần xây dựng một đơn giá riêng của mình sao cho phù hợp, kể cả chọn giải pháp tuyên truyền.
Ví dụ như quận 5, quận 11, dân cư chủ yếu là người Hoa, ban ngày họ lo buôn bán, vậy thì khi muốn tuyên truyền thì phải tuyên truyền vào buổi tối mới hiệu quả. Quan trọng nhất là ý thức của người dân và tâm huyết của người cán bộ tuyên truyền.
Ông Lê Trung Tuấn Anh – Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn – Sở Tài nguyên và Môi trường TP thừa nhận, tới thời điểm này việc triển khai của các quận huyện còn chậm, chỉ dừng lại việc tuyên truyền ở một số bộ phận dân cư.
Nói về giải pháp, ông Lê Trung Tuấn Anh cho biết thêm: "Năm nay mục tiêu là tập trung cho việc kiểm tra, đánh giá và cùng với quận huyện ghi nhận các cơ chế chính sách của TP đã ban hành xem coi đã phù hợp hay cần những điều chỉnh gì để đáp ứng yêu cầu triển khai các chương trình phân loại rác tại nguồn TP đưa ra. Bên cạnh đó có những giải pháp tuyên truyền sâu rộng để từng hộ dân trong mỗi gia đình phải nắm được chương trình này. Làm sao cùng với các quận phải triển khai đại trà vì hiện nay việc triển khai đang còn hạn chế".
Theo kiến nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường TP, sắp tới sẽ thương mại hóa các nhãn dán trên túi rác và khuyến khích các nhà sản xuất túi thân thiện với môi trường, sản xuất hai túi màu xanh, đen, để chứa rác hữu cơ và rác còn lại.
Thiết lập các điểm thu gom chất thải còn khả năng tái chế, tái sử dụng như: chai nhựa, túi nilong trên địa bàn quận, huyện để người dân trao đổi, tích lũy điểm để mua các sản phẩm tiêu dùng. Đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát tiến độ triển khai và có phương án tổ chức thu gom, vận chuyển chất thải riêng sau phân loại.
Ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM đề nghị nên khuyến khích Công ty môi trường đô thị thiết lập hệ thống thu mua và thành lập trung tâm tái chế chất thải phủ hợp với quy hoạch của TP bởi theo ông việc tài chế chất thải từ rác sinh hoạt có ý nghĩa rất lớn trong việc sử dụng năng lượng tái tạo:
"Sau khi phân loại ra mình đưa về nhà máy sản xuất phân compost. Còn chất thải tái chế được thì đem về sản xuất ra hạt nhựa hoặc là những sản phẩm xanh thân thiện với môi trường, hoặc sản xuất thành viên RDF – một nguyên liệu đốt thay thế cho nguyên liệu truyền thống.
Các chất thải còn lại, khi qua hệ thống phân loại sẽ tận dụng nó sản xuất RDF, hoặc sản xuất vật liệu xây dựng. Việc hình thành lập trung tâm tái chế giúp giải quyết triệt để vấn đề về rác. Biến rác thành một nguồn tài nguyên thực sự.