Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, trải qua gần 30 năm hoạt động, thực tế các hành vi vi phạm trong lĩnh vực KTNN có xu hướng gia tăng và mang tính đặc thù nhưng đến nay còn thiếu các quy định về chế tài cụ thể để bảo đảm thi hành, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm.
Mục đích của việc ban hành Pháp lệnh nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN. Tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực KTNN. Nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán của KTNN và tính nghiêm minh của pháp luật.
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, bày tỏ băn khoăn về các nội dung mức phạt tiền như quy định trong dự thảo Pháp lệnh, bởi có chỗ thì quá nhẹ, có chỗ lại quá nặng. Do vậy đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, nghiên cứu thêm.
Tương tự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Điều 13 của dự thảo Pháp lệnh có quy định, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi che giấu hành vi vi phạm pháp luật về tài chính công, tài sản công.
Bà Thanh cho rằng: "Quy định này chưa đủ rõ, phạm vi hành vi che giấu trong lĩnh vực về tài chính công, tài sản công là rất rộng, mức phạt còn thấp, vì vậy, cần làm rõ hành vi che giấu, mức độ vi phạm ở từng lĩnh vực để nội dung quy định trong Pháp lệnh cụ thể, khả thi hơn"
Xem thêm: Khai mạc phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành về nguyên tắc, giao lại hai cơ quan Kiểm toán nhà nước và Ủy ban Pháp luật bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản kèm báo cáo tiếp thu, giải trình, hoàn chỉnh dự thảo trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Pháp lệnh trong tháng 2/2023.