Về vấn đề này, Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng phóng viên Quang Thế cũng có những vi phạm và công an cũng có vi phạm. Vụ việc chưa tới mức xử lý hình sự nhưng đủ căn cứ để xử lý hành chính.
Cụ thể mức phạt: vào khu vực cấm nơi tiến hành các hoạt động có nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước mà không được phép với mức phạt 2.000.000 đồng; Chụp ảnh tại khu vực cấm với mức phạt 2.000.000 đồng; Có lời nói lăng mạ người thi hành công vụ với mức phạt 2.500.000 đồng; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên can thiệp cản trở hoạt động đúng phát luật của tổ chức cá nhân với mức phạt 7.500.000 đồng; Đỗ xe mô tô trên cầu với mức phạt 350.000 đồng; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông mức phạt 55.000 đồng.
Phóng viên Quang Thế - áo trắng - bị cảnh sát hình sự mặc áo thường phục hành hung (Ảnh: MC/TTO)
Sáng 23/9, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc một người đàn ông bị chết dưới gầm cầu Nhật Tân; cùng chiếc xe taxi ở trên cầu với nhiều dấu vết có dấu hiệu là vụ trọng án, Công an huyện Đông Anh đã nhanh chóng có mặt, tổ chức bảo vệ, khám nghiệm hiện trường điều tra theo đúng quy định.
Trong quá trình Cơ quan CSĐT Công an huyện Đông Anh làm nhiệm vụ, trên cầu Nhật Tân, một số phóng viên đã vào khu vực bảo vệ hiện trường để tác nghiệp, chụp ảnh.
Để đảm bảo hiện trường không bị xáo trộn, các cảnh sát Ngô Quang Hưng và Nguyễn Văn Thuyên là cảnh sát hình sự của Công an huyện Đông Anh đã ra giải thích, nhắc nhở các phóng viên, trong đó có phóng viên Trần Quang Thế.
Tuy nhiên, các phóng viên vẫn cố tình vào khu vực cơ quan công an bảo vệ hiện trường. Từ đó đã dẫn đến xô xát giữa cảnh sát hình sự Công an huyện Đông Anh với phóng viên Trần Quang Thế.
Theo Cơ quan CSĐT, hiện trường là khu vực thuộc danh mục bí mật Nhà nước. Phóng viên Quang Thế và một số người không được cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng vẫn cố tình tìm cách vào hiện trường. Tổ công tác bảo vệ hiện trường không cho phóng viên Quang Thế và những người tự xưng là nhà báo tác nghiệp là có căn cứ và đúng quy định pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước.
Quá trình xác minh, điều tra, làm rõ cảnh sát Ngô Quang Hưng đã có hành vi dùng chân đá (nhưng không trúng vào người) và “vung tay” vào mặt phóng viên Quang Thế.
Công an TP Hà Nội đã tổ chức cho phóng viên Quang Thế đi khám thương tích, nhưng phóng viên này đã từ chối và trình bày sức khỏe bình thường, không đi điều trị, tự chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình, vì vậy không có cơ sở xử lý hình sự đối với việc gây thương tích của cảnh sát Ngô Quang Hưng.
Cơ quan điều tra xác định cảnh sát Ngô Quang Hưng đã có sai phạm là vi phạm “Quy tắc ứng xử của Cán bộ chiến sĩ - công an nhân dân khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hiện trường”, theo quy định tại Thông tư 16/BCA. Công an TP Hà Nội đã giao Phòng Tổ chức cán bộ phối hợp với Công an huyện Đông Anh tổ chức kiểm điểm đối với cảnh sát Ngô Quang Hưng, mức xử lý kỷ luật khiển trách.
Cảnh sát Nguyễn Văn Thuyên bị xác định dùng tay gạt máy quay của một người tự xưng là phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam. Cơ quan CSĐT đã xác minh tại Tòa soạn Báo Pháp luật Việt Nam, được biết các phóng viên tòa soạn báo trình bày khi đi tác nghiệp không bị ai đánh hoặc làm hư hỏng máy quay.
Do đó, chưa có cơ sở kết luận cảnh sát Thuyên có hành vi hủy hoại tài sản, hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Công an TP Hà Nội đã yêu cầu cảnh sát Thuyên kiểm điểm, phê bình rút kinh nghiệm.
Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố giác của phóng viên Trần Quang Thế, vì hành vi Xâm hại đến sức khỏe của phóng viên này không cấu thành tội phạm (theo khoản 2, Điều 107, Bộ Luật Tố tụng hình sự); đồng thời thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự cho VKSND - TP và phóng viên Trần Quang Thế theo quy định.