Phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một

VOH - Ngày 10/10, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành quyết định về việc phê duyệt kế hoạch “Hỗ trợ nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát huy văn hóa phi vật thể các dân tộc thiểu số có nguy cơ mai một”.

Kế hoạch do Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024.

Kế hoạch nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, đồng thời thúc đẩy phát triển du lịch tại các tỉnh như Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế và An Giang.

Lễ rửa làng (Lổng chìn) của dân tộc Lô Lô huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Báo Hà Giang
Lễ rửa làng (Lổng chìn) của dân tộc Lô Lô huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang - Ảnh Báo Hà Giang

Kế hoạch cũng đồng bộ với việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn văn hóa, đặc biệt là những giá trị văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một.

Kế hoạch đề ra nhiều hoạt động cụ thể như nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các lễ hội, nghi lễ và nghệ thuật trình diễn truyền thống của các dân tộc thiểu số. 

Chẳng hạn, tại Lạng Sơn, phục hồi và bảo tồn Lễ cấp sắc của người Dao, Lẩu Then của người Nùng và hát Xắng Cọ của người Sán Chỉ.

Tại Bắc Kạn, nghiên cứu hoa văn trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền, nhằm phát triển các sản phẩm du lịch.

Tại Hà Giang, truyền dạy và tái hiện các nghi lễ Rửa làng của người Lô Lô, cùng với việc sản xuất phim tài liệu để quảng bá văn hóa.

Tại Bắc Giang, bảo tồn tục làm nhà táng của người Cao Lan.

Tại Vĩnh Phúc, tập huấn và truyền dạy hát Soọng Cô của người Sán Dìu.

Tại Thừa Thiên Huế, nghiên cứu và phục hồi lễ bỏ mả của người Cơ Tu.

Tại An Giang, bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn trống Rebana của người Chăm.

Bình luận