Chờ...

“Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường và không đánh mất bản sắc văn hóa”

(VOH) - Sáng 29/12, Hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với 63 địa phương trên cả nước đã chính thức khép lại.

Cùng với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng: Bộ Công thương, Lao động Thương binh và Xã hội; Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng có phát biểu xung quanh tình hình thực hiện kinh tế, xã hội và thu chi ngân sách 2018.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, việc phát triển kinh tế là then chốt nhưng các địa phương không được bỏ qua môi trường cũng như đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại Hội nghị. Ảnh: TTXVN

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, cả 3 lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và xây dựng, thương mại đều đạt những kết quả tăng trưởng cao, ổn định, tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2018 cũng như các năm tiếp theo.

Điểm sáng đáng chú ý nhất là hoạt động xuất khẩu. Năm 2017, hoạt động xuất khẩu tiếp tục duy trì, vượt đà tăng trưởng của những năm trước, đạt mức 2 con số 21,1%, gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ đô la Mỹ cũng đã nâng lên 29 nước. Đạt được chỉ tiêu này, theo Bộ trưởng đó là khả năng bám sát diễn biến tình huống của cục diện chung trên thế giới để có sự điều hành linh hoạt cả về điều hành chính sách vĩ mô.

“Năm 2017, bắt đầu có những biểu hiện mới của bảo hộ mậu dịch, gây ra những rào cản mới cho xuất khẩu, ngay lập tức những hoạt động của lãnh đạo Chính phủ đặc biết đối với các đối tác quan trọng giúp chúng ta vượt qua những rào cản lớn, trong hoạt động xuất khẩu. Đó còn là sự tháo gỡ của Chính phủ cho hàng loạt các ngành kinh tế, các nhóm ngành cụ thể trong các giai đoạn khác nhau của năm 2017. Từ những giai đoạn đầu còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng, bám sát thực tế để đề ra những giải pháp, chính sách phù hợp”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng.

Trên lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nêu lên một số thành tựu nổi bật trong năm 2017 như việc chăm lo cho các đối tượng thương binh, liệt sĩ luôn đảm bảo chu đáo, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều đã giảm 1,33%, còn 6,9%; tỷ lệ thất nghiệp hiện giảm xuống, chỉ còn 2,2%; tỷ lệ qua đào tạo nghề 56%, hơn 130.000 lao động đi xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết năm 2018 cơ bản nhất trí với phương châm hành động cũng như những giải pháp, mục tiêu đã đề ra. "Chính phủ, các địa phương tập trung chỉ đạo, kể cả có chiến lược trung hạn, dài hạn và ngắn hạn khâu đột phá chiến lược lần thứ 3, nhất là nhân lực chất lượng cao. Thời gian qua, vấn đề này có quan tâm nhưng chưa tương xứng và đáp ứng yêu cầu. Thực tế, Việt Nam đang thiếu các giải pháp căn cơ. Theo đánh giá của World Bank, chất lượng nguồn nhân lực của VN chỉ đạt 3,79 điểm/thang điểm 10, xếp thứ 11/12 quốc gia mà tổ chức này tiến hành khảo sát. Đây chính là lý do khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho rằng, năm 2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để đảm bảo đạt 13 chỉ tiêu về kinh tế, xã hội, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Về công tác phối hợp giữa Chính phủ với Mặt trận Tổ quốc, 2 bên duy trì thường xuyên quy chế phối hợp công tác, và cùng nhau giải quyết 14/15 nội dung trong quy chế phối hợp đã hoàn thành.

“Tôi rất ủng hộ chủ đề của Chính phủ đặt ra trong năm 2018 là “Kỷ cương, liêm chính, tận dụng thời cơ, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững” rất trúng và đúng với lòng dân. Nhân dân hiện vẫn còn quan tâm một số vấn đề như tình trạng tham nhũng, lãng phí, thực phẩm bẩn, nguồn nước bị ô nhiễm, các dự án BOT bất hợp lý, bạo lực học đường…đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành cần quyết tâm, tập trung vào những giải pháp cụ thể để lấy lại lòng tin của các tầng lớp nhân dân”, Ông Trần Thanh Mẫn cho biết thêm.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao các địa phương một số nhiệm vụ cụ thể. Theo đó, yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh việc huy động vốn đầu tư từ xã hội để đạt được mục tiêu tăng đầu tư xã hội lên 34% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay; kim ngạch xuất khẩu tăng 10%, nông nghiệp tăng 3%; xuất khẩu đạt mức 40 tỷ đô la Mỹ. Bên cạnh đó, trong năm 2018, Việt Nam phải đặt mục tiêu thu hút từ 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế để đến năm 2020 có thể đạt 25 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Để đạt được các mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu, ngay trong tối nay phải trình Thủ tướng Nghị quyết 01 với 242 nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế xã hội trong năm 2018 để Thủ tướng ký ban hành, các Bộ, ngành có thể triển khai, bắt tay thực hiện ngay trong năm mới 2018, làm sao phải đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%/năm: “Quốc hội giao chúng ta phải hoàn thành từ 6,5 - 6,7% nhưng tại hội nghị này, chúng ta phải quyết định kết luận ít nhất phải đạt con số 6,7%. Bởi vì, với sự tăng trưởng, đất nước có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề, từ việc làm cho đến thu ngân sách, nợ công, chia bình quân đầu người. Một đất nước mà chia bình quân đầu người chỉ đạt 2.335 đô la Mỹ thì không phải là một chỉ tiêu quá phấn khởi. Đó phải là nỗi buồn bực mà mỗi người lãnh đạo chúng ta khi bình quân thu nhập đầu người thấp như thế.”

Thủ tướng cũng đề nghị các Bộ, ngành, nhất là các địa phương phải phát huy bài học kinh nghiệm trong năm 2017, đó là đoàn kết, cộng sự và quyết tâm, để phát huy lợi thế của địa phương, của vùng để trở thành một cực tăng trưởng. Bởi địa phương nào cũng có thế mạnh, chỉ có điều, lãnh đạo ở địa phương ấy có biết phát huy hay không. Nhắc lại yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 28/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương, trong phát triển phải bảo đảm theo tam giác kinh tế - văn hóa, xã hội - môi trường, không nên tập trung vào kinh tế mà bỏ qua môi trường, không giữ được văn hóa Việt Nam. Phát triển kinh tế nhưng xã hội phải bình yên hơn, để mọi người dân Việt Nam đều được hưởng cuộc sống đầy đủ cả về vật chất lẫn tinh thần.