Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP cho biết, thành phố ra mắt một số nền tảng quan trọng để phục vụ người dân, doanh nghiệp và việc điều hành như hệ thống giám sát xử lý phản ánh và kiến nghị của người dân thông qua tổng đài 1022, hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của TP... Kinh tế số TPHCM năm 2022 chiếm khoảng 15,38% GDP so với chỉ tiêu đặt ra 15%.
"Tuy nhiên còn rất nhiều việc phải làm so với yêu cầu đặt ra. Hai trong nhiều vấn đề hạn chế của TPHCM trong chuyển đổi số là vấn đề về dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo", ông Thắng lưu ý tại hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực hành chính công" ở TPHCM sáng 27/12.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, việc ứng dụng AI trên địa bàn TP.HCM, đặc biệt trong khu vực hành chính công chưa có tính hệ thống, bài bản, đồng bộ. Từ đó, trọng tâm sắp tới thành phố sẽ đặt ở lĩnh vực hành chính công.
"Hiện sở đang phối hợp cùng HĐND thành phố xây dựng "thư ký ảo" phục vụ thẩm tra các tờ trình của HĐND nhằm rút ngắn thời gian thẩm tra và đạt hiệu quả thẩm tra cao hơn", ông Thắng thông tin thêm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Khoa học và Công nghệ cần xác định, phân biệt rõ đặc điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo với công nghệ thông tin về thực chất như thế nào.
"Phải xác định rõ được điều này chúng ta mới thực sự đưa trí tuệ nhân tạo vào ứng dụng trong việc cải tiến, cải cách năng lực quản lý hành chính công, tránh tình trạng gắn mác AI lên nền tảng cũ", ông Đức nói.
Xem thêm: TPHCM xây 9 cầu vượt, bãi gửi xe tạo thuận lợi cho người dân đi Metro
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu, hội thảo cần tập trung vào 3 vấn đề là nguồn nhân lực, những đề xuất cụ thể về xây dựng hạ tầng phần cứng, phần mềm dữ liệu; Nêu ra bài toán cốt lõi, quan trọng và mời gọi các chuyên gia, doanh nghiệp... cùng thành phố để giải quyết một cách tốt nhất...