Chờ...

Phó Thủ tướng: Đào tạo đội ngũ giáo viên đi trước một bước

(VOH) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu như vậy tại Hội nghị Phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2023, tầm nhìn 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị sáng 18/4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh Hội nghị được tổ chức nhằm tìm giải pháp đổi mới phát triển giáo dục và đào tạo Vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào (GD&ĐT) tạo nghiên cứu những kiến nghị của các tỉnh để có giải pháp từng bước khắc phục khó khăn, tháo gỡ cho giáo dục vùng Đông Nam Bộ; cần có chính sách thu hút giáo viên, đổi mới mô hình tổ chức nhân sự.

Bộ cần phát huy nội lực, huy động ngoại lực; có cơ chế xã hội hóa, thu hút các nguồn giáo dục chất lượng cao, tăng cường liên doanh, liên kết, kể cả nước ngoài để đổi mới giáo dục và đào tạo.

Mục tiêu hướng tới phục vụ cho đổi mới toàn diện về giáo dục, góp phần xây dựng phát triển đất nước; trong đó vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ cần có một trung tâm đào tạo trên đại học để đáp ứng nguồn lực công cuộc “đổi mới sáng tạo”...

Phó Thủ tướng: Đào tạo đội ngũ giáo viên đi trước một bước 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị 

Chia sẻ triết lý phát triển dựa vào con người, "hiền tài là nguyên khí quốc gia", Phó Thủ tướng cho biết, nếu chỉ phát triển dựa vào tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, nhân loại cần tới 3 trái đất, "do vậy phải thay đổi tư duy, phương thức phát triển để tận dụng tài nguyên tri thức, lấy nguồn lực con người hay thế cho nguồn lực tự nhiên".

Về phát triển đội ngũ giáo viên, Phó Thủ tướng cho rằng cần "đi trước một bước"trong đổi mới nội dung, mục tiêu, phương pháp đào tạo, cập nhật kiến thức, để đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Các nhà trường sư phạm xác định những nội dung giáo dục cơ bản để đào tạo một số lượng giáo viên cơ hữu. Đối với những môn học liên quan đến thẩm mỹ, hình thành nhân cách, nhà trường cơ chế thu hút các chuyên gia, nhà khoa học giỏi nhất đến giảng dạy cho học sinh.

Các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận nhiều giải pháp như tiếp tục rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục theo nguyên tắc đảm bảo tính khoa học, linh hoạt, kế thừa, ổn định lâu dài.

Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục của vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và quy mô phát triển giáo dục của từng địa phương. Tạo cơ hội phát triển khu vực giáo dục tư thục để bảo đảm điều kiện thuận lợi cho mọi người dân được tiếp cận, thụ hưởng công bằng thành quả giáo dục.

Các địa phương ưu tiên quỹ đất để xây dựng cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Các đại biểu cho rằng, với đặc thù vùng, các địa phương cần ưu tiên xây dựng cơ sở giáo dục mầm non tại các khu, cụm công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho con em công nhân lao động được tiếp cận giáo dục mầm non thuận lợi; thực hiện việc tuyển dụng số biên chế được giao bảo đảm về số lượng và chất lượng; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên...