Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Du lịch Việt Nam không vội vàng đón khách quốc tế

(VOH) - Điều quan trọng với ngành du lịch nước nhà là cần giữ an toàn tuyệt đối như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, tập trung chú trọng phát triển du lịch nội địa.

Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc ngành du lịch diễn ra sáng 28/11.

Du lịch Việt Nam không vội vàng đón khách quốc tế
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc ngành du lịch diễn ra sáng 28/11. Ảnh: SGGP

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao ngành du lịch Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm qua về năng lực du lịch, và cả cơ sở hạ tầng cũng như chất lượng không ngừng được nâng lên. Và một trong những lý do nhiều người nước ngoài đến Việt Nam là vì sự thân thiện của người dân Việt Nam. Thành quả này là nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay đóng góp, phát triển ngành du lịch Viêt Nam. Trong khi thế giới đang đối mặt với những khó khăn, tổn thất nặng nề nhưng có thể thấy được tương lai tươi sáng đang mở ra với cả ngành du lịch nội địa của Việt Nam. Đặc biệt thời gian các địa phương mà đi đầu là TPHCM đã chủ động xây dựng các mối liên kết với tất cả các tỉnh thành trong cả nước để hình thành nên các chuỗi liên kết du lịch hấp dẫn. Chính sự liên kết này sẽ thúc đẩy và góp phần phục hồi cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Bên cạnh nhiều thành tựu đạt được, còn một số thách thức đặt ra với ngành du lịch như: chất lượng chưa đồng đều, chưa có giải pháp hữu hiệu kéo dài thời gian lưu trú của du khách, chưa kích thích được chi tiêu của khách du lịch cùng một số tồn tại khác được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra: “Môi trường xã hội có những tiến bộ lớn, nhưng vẫn còn những bất cập rất lớn, chúng ta kêu gọi toàn xã hội cố gắng. Điều dễ thấy nhất là giao thông trật tự đi lại, an toàn thực phẩm. Tôi rất quan tâm đến sự liên kết du lịch, sáng kiến của Thành ủy TPHCM rất đúng vì chúng ta vẫn yếu trong việc liên kết”.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh thời điểm hiện tại và tương lai gần cần tập trung khách du lịch nội địa và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp như khách nước ngoài. Đồng thời cần đảm bảo sự an toàn tuyệt đối trong du lịch trước diễn biến phức tạp của Covid-19 trên thế giới. Nếu không phòng chống dịch Covid-19 tốt thì mọi sự nổ lực sẽ trở nên vô nghĩa và ngành du lịch sẽ tiếp tục bị thiệt hại nặng nề. Trước đó trong phần tham luận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cũng đã hiến kế, đề xuất một số giải pháp quan trọng để phục hồi ngành du lịch trong giai đoạn sắp tới. “Tăng cường hợp tác đi vào chiều sâu, hợp tác phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Tận dụng và tranh thủ lợi thế của công nghệ số. Tập trung thông tin quảng bá thường xuyên, liên tục phát triển thị trường khách nội địa. Vừa đạt được mục tiêu kinh tế vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân”, ông Liêm nói.

Cùng với lãnh đạo các tỉnh thành, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra những giải pháp, cách làm với mong muốn tất cả chung tay vượt qua khó khăn duy trì phát triển ngành du lịch trong những tháng cuối năm 2020, nhất là dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Theo đó doanh nghiệp và cả người dân, cơ quan quản lý nhà nước cần dựa trên những lợi thế sẵn có, sẵn sàng chuẩn bị chào đón những cơ hội sắp tới. Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng có thể làm điều đó ngay hiện tại mà không cần chờ đến khi có vaccine Covid-19, để Việt Nam không chỉ trở thành "thiên đường an toàn du lịch" mà còn là điểm đến với nhiều tiện ích hiện đại tích hợp.

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ngành du lịch có rất nhiều điểm sáng trong những năm gần đây, nhưng cũng còn những hạn chế, yếu kém và bắt buộc phải khắc phục nếu muốn phát triển bền vững. “Chúng ta còn nhiều hạn chế và có những chủ quan. Chúng ta phải khắc phục trước mắt là trong thời điểm phục hồi các hoạt động sau dịch Covid-19. Đầu nhiệm kỳ đã xoắn tay áo làm thì bây giờ phải nắm tay nhau làm. Nếu cùng đồng lòng thống nhất thì ngành du lịch sẽ vượt qua được”, ông Thiện phát biểu.

Năm 2020 không chỉ là là thời điểm thử thách, song đó cũng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam thay đổi, từng bước phát triển, chuyển mình. Về lâu dài cần định vị lại hướng đi và thông điệp marketing cho ngành du lịch trong bối cảnh mới. Nhiều ý kiến cũng cho rằng liên kết vùng là hoàn toàn chính xác, nhưng cần có chiều sâu và thực tế hơn. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy chế, thể chế vùng và có hướng đi rõ ràng, trước hết là khơi nguồn du lịch, sau là phát triển kinh tế.

Ký kết kết hợp tác du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và 5 tỉnh, thành miền Trung

Nằm trong khuôn khổ hội nghị du lịch toàn quốc, trưa nay 28/11, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thành Liêm cùng lãnh đạo thành phố Hà Nội và 5 tỉnh thành miền Trung đã lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TPHCM và 5 tỉnh, thành thuộc Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.


Mục tiêu chung là kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi du lịch hậu Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam so với các nước trên thế giới. Thỏa thuận liên kết giữa 2 trung tâm kinh tế - văn hóa - du lịch lớn nhất nước với các vùng trọng điểm về văn hóa - du lịch chính là điểm sáng biểu trưng cho sự kiên cường, mạnh mẽ, sáng tạo của ngành du lịch Việt Nam trong một giai đoạn đầy biến động, khó khăn chưa từng có.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM sự liên kết này là những mảnh ghép hoàn chỉnh thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau của ngành du lịch các địa phương trên cả nước: “Chúng ta đã thực hiện đúng bản chất của ngành du lịch là liên kết. Du lịch nội địa đang là thị trường chủ lực hiện nay. Thông qua các sự liên kết này thì các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hợp tác với nhau”.

Liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM, Hà Nội và Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung là chương trình liên kết cuối cùng trong năm 2020 kết nối các tỉnh, thành và vùng, miền theo chiều dài đất nước từ Bắc xuống Nam mà TPHCM đã triển khai từ cuối năm 2019 đến nay.
Bình luận