Bên cạnh đó, TPHCM phải tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong của mình trong hợp tác - liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch để thúc đẩy sự phát triển của ngành… Đây là những chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc diễn ra ngày 20/11 tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh).
Tại hội nghị này, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định: Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động kinh tế xã hội nói chung, và ngành du lịch nói riêng. Cụ thể, cho đến hết tháng 10 năm nay, tổng số du khách đến TPHCM chỉ đạt 14,3 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm trước; trong khi đó, 8 tỉnh Đông Bắc cũng chỉ đón được 14,6 triệu lượt, giảm 36%.
Ngoài ra, hơn 1.500 doanh nghiệp lữ hành ở TP.HCM, 200 doanh nghiệp lữ hành ở các tỉnh Đông Bắc cũng bị giảm doanh thu do tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi mô hình hoạt động. Từ thực tế đó, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: liên kết chính là một trong những chìa khóa giúp cho ngành du lịch sớm phục hồi trong trạng thái bình thường mới.
"Nhằm tiếp nối kinh nghiệm và những thành công đạt được từ việc liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với các địa phương, lần này, TPHCM phối hợp với tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TPHCM với các tỉnh Đông Bắc, nhằm hình thành một chuỗi các hoạt động liên kết phát triển du lịch từ Bắc tới Nam, tạo nên một khối sức mạnh tổng thể, từng bước đưa ngành du lịch vượt qua khó khăn trước mắt. So với trước đây, sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông tại các tỉnh phía Bắc cơ bản đã rút ngắn khoảng cách và đi lại giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc, tạo thuận lợi trong việc đi lại giúp du khách ưu tiên lựa chọn khám phá vùng đất này", ông Nguyễn Thành Phong cho biết.
Đây là hội nghị liên kết phát triển du lịch lần thứ 2 mà TPHCM triển khai trong năm nay, sau chương trình lần thứ nhất diễn ra ở Việt Trì (Phú Thọ). Cùng với Hội nghị Liên kết phát triển du lịch kết nối TPHCM với Đồng Bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ và tới đây là khu vực di sản Miền Trung, TPHCM đã chính thức kết nối và hình thành được bản đồ liên kết du lịch liên vùng trên cả nước.
Lấy chủ để “Kết nối tinh hoa”, nội dung trọng tâm của liên kết lần này tập trung vào 3 mục tiêu quan trọng như: công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá và xúc tiến du lịch. Tại hội nghị này, ông Dương Xuân Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kỳ vọng chương trình liên kết sẽ mở ra triển vọng xây dựng và phát triển du lịch giữa các địa phương. Thông qua chương trình sẽ có bước đột phát trong chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu các sản phẩm du lịch đặc trưng của các tỉnh trong vùng đến với du khách TPHCM.
Để liên kết này phát huy hiệu quả, ông Nguyên đề xuất 5 giải pháp, trong đó có đề xuất thành lập Quỹ phát triển du lịch: "Thứ nhất, đề nghị phải tiếp tục tăng cường phối hợp trong công tác quản lý về du lịch. Thứ hai, phối hợp nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của mỗi địa phương để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của du khách. Thứ ba, nâng cao chất lượng các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong nước, đặc biệt là tại TPHCM và 8 tỉnh trong khu vực Đông Bắc. Thứ tư, đề nghị các tỉnh tạo cơ chế, hỗ trợ phát triển, nâng cao năng lực hoạt động cho các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, kinh doanh dịch vụ du lịch của các địa phương. Cuối cùng, để góp phần thực hiện có hiệu quả 4 giải pháp trên, có thể thành lập Quỹ phát triển du lịch để triển khai các hoạt động, hợp tác về du lịch".
Tại hội nghị này, đề cập đến chính sách thúc đẩy liên kết giữa TPHCM và các tỉnh Đông Bắc, ông Nguyễn Văn Hùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: hoạt động liên kết là một xu có tính tất yếu mà muốn phát triển buộc phải liên kết. Trong du lịch, hoạt động liên kết chính là tạo ra sức mạnh tổng hợp từ sức mạnh của mỗi địa phương để tạo thành một khối gắn kết. Có như thế mới đưa du lịch phát triển bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
"Tôi cũng mong muốn, sau sự kiện này, TPHCM - với vai trò dẫn dắt, và với sự tương tác đầy trách nhiệm, chúng ta phải vẽ một bản đồ du lịch Vùng Đông Bắc kết nối với Quảng Ninh, TPHCM. Trong đó, phải làm rõ tỉnh nào sẽ giữ vai trò động lực, đâu là vùng phụ cận, sản phẩm của các địa phương trong vùng ra sao… Tất cả phải thể hiện trên bản đồ số và số hóa cụ thể trên bản đồ này. Có như thế chúng ta mới phát triển không bị lệch hướng, có như thế chúng ta mới tạo được sức mạnh tổng hợp", Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Dự và phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cao sự cần thiết và tầm quan trọng của sáng kiến xây dựng chuỗi liên kết trong phát triển du lịch của Thành ủy, UBND triển khai. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng “ngay những ngày đầu tiên có sáng kiến này, Chính phủ đã cam kết đồng hành cùng với TPHCM, luôn đôn đốc để đẩy mạnh hơn nữa tính thực chất trong các mối liên kết, phối hợp để tăng tính hiệu quả trong chỉ đạo điều hành:
"Tôi vừa cảm ơn, vừa chúc mừng nhưng cũng muốn tiếp tục thúc đẩy TPHCM giữ vững vai trò nhạc trưởng trong sự liên kết này để sớm phục hồi ngành du lịch. Nhiều người nói rằng “một triệu năm mới có một ngọn núi, một ngàn năm mới có một dòng sông, một trăm năm mới có một cây cổ thụ, còn bản sắc văn hóa để có nét riêng cũng phải mất tới ngàn năm". Do vậy, muốn phát triển gì đi chăng nữa, nhưng nhất thiết chúng ta phải giữ được những tài sản du lịch vô giá đó.
Để phát triển du lịch, để khai thác tốt những tiềm năng đó không chỉ cần có nhiều tiền đâu, mà phải rất hiểu biết. Chúng ta phải cố gắng, nỗ lực để khắc phục những bất cập mà trước đây chúng ta đã làm ảnh hưởng tới thiên nhiên, di sản. Tới đây, đơn vị nào sai phạm lỗi này phải được xử lý nghiêm khắc".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhắc lại, việc phát triển hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới phải luôn chú ý đến công tác đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, không được chủ quan, lơ là. Công tác đó phải được đảm bảo an toàn cho khách du lịch từ phương tiện, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán ăn đều phải đảm bảo thực hiện nghiêm, để tránh xảy ra đợt bùng phát nào khác nữa.