Phòng chống Zika, TPHCM giám sát cả những trường hợp nghi ngờ mắc

(VOH) - Tính đến ngày 3/11, TPHCM đã có 11/24 quận huyện xác nhận 21 người bệnh do vi rút Zika. Ngoài ra, kết quả từ hệ thống giám sát cũng đã ghi nhận thêm 9 trường hợp chẩn đoán xác định mắc Zika.

Đáng lưu ý trong tổng số bệnh nhân nhiễm vi rút Zika có 4 phụ nữ mang thai. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ vi rút Zika lưu hành và lan rộng trên toàn thành phố. Chủ động ngăn chặn, không để dịch bệnh do vi rút Zika lây lan là vấn đề đang được đặt ra.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng

Xung quanh việc phòng chống, VOH đã phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.

* VOH: Thưa ông, liệu có phải vi rút này đã có mặt từ rất lâu ở nước ta – trước khi Tổ chức Y tế thế giới đưa thông tin khuyến cáo gửi đến các nước?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Thật ra vi rút Zika không phải là một loại bệnh mới, vào những thập niên 40 của Thế kỉ trước người ta đã phát hiện vi rút Zika trên khỉ, trên dơi, trên người ở Nigeria. Trong quá trình nghiên cứu sự phát triển loại vi rút này ở những nước nằm trong dải nhiệt đới Châu Phi, Châu Á trong đó có Việt Nam vào những năm 50, 60 của thế kỉ trước cũng đã phát hiện sự tồn tại của vi rút Zika.

Tuy nhiên, trong thời gian dài, những trường hợp nhiễm vi rút Zika không gây bùng phát cho đến năm 2014, 2015 - rất nhiều trường hợp mắc chứng đầu nhỏ ở Brasil được Tổ chức Y tế thế giới phát hiện có liên quan đến virút Zika, từ đó Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo trên toàn cầu vi rút Zika có mối quan ngại với sức khỏe cộng đồng.

Trong quá trình đó, chúng ta tổ chức hoạt động giám sát, tầm soát xem có những trường hợp nào nhiễm vi rút Zika hay không để có những biện pháp phòng chống cũng như ngăn ngừa hậu quả nó để lại. Và thực tế chúng ta đã phát hiện những trường hợp mới mắc, mới nhiễm Zika tại Việt Nam cũng như TPHCM

* VOH: Tại địa bàn TPHCM, tình hình bệnh do vi rút Zika như thế nào, tần suất mắc đã đến mức nguy hiểm và cần cảnh báo hay chưa thưa ông?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Như chúng tôi vừa thông tin về tình hình nhiễm vi rút Zika trên địa bàn TPHCM, từ tháng 3, TP phát hiện trường hợp đầu tiên, cho đến hết tháng 9, có 5 trường hợp và cho đến tháng 10 thì số mắc nhiều hơn, rải rác đều ở các quận, huyện, không tập trung ở quận, huyện nào.

Nhiều khả năng vi rút Zika đã lưu hành tại địa bàn TPHCM và trong thời gian tới, chắc chắn sẽ phát hiện thêm những ca mắc mới, vậy nên cần có thái độ hành xử đúng hơn để tổ chức việc phòng chống sự lây lan vi rút Zika cho thích hợp.

* VOH: Ở góc độ y tế dự phòng, việc ứng phó với dịch bệnh này như thế nào về giám sát, phòng chống, tuyên truyền để cảnh báo đến người dân thưa ông?

- Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng: Ở hệ thống giám sát như thông tin  trước đây, chúng tôi triển khai giám sát thông qua 30 điểm lấy mẫu xét nghiệm, thực ra đây là hoạt động tầm soát.

Nhưng hiện nay, chúng tôi nhận định nếu đợi kết quả dương tính mới thực hiện thì sẽ chậm đi một bước nên bắt đầu từ ngày hôm nay chúng tôi lên kế hoạch thực hiện ngay những biện pháp xử lí từ những trường hợp nghi ngờ, chứ không phải đợi cho tới kết quả dương tính. Vì nếu xử lí tất cả số ca này thì xem như chúng ta xử lí 1 ổ dịch sốt xuất huyết. Nghĩa là một hoạt động chúng ta giám sát, phòng chống được 2 loại dịch bệnh.

Như vậy để công việc này làm thành công không chỉ các ban ngành đoàn thể, ngành y tế lên kế hoạch thực hiện mà cần sự phối hợp, hưởng ứng tích cực của người dân với việc diệt lăng quăng. Người dân phải tự diệt lăng quăng ở ngôi nhà, khu vườn, khu đất của mình thì mới tạo sự đồng bộ. Vì nếu như chính quyền, đoàn thể thực hiện bên ngoài nhưng người dân không thực hiện tại gia đình thì cũng không hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc phun thuốc hóa chất diệt muỗi đòi hỏi có sự hợp tác từ người dân, để phun trong ngôi nhà của mình. Nếu nhà có em bé hay người già vì lý do sức khỏe không cho y tế vào phun xịt được thì người dân phải chủ động mua bình xịt muỗi về diệt muỗi. Hoạt động này rất cần sự phối hợp từ chính quyền địa phương và người dân.

* VOH: Cám ơn ông