Quản lý bệnh viện – nâng tầm trong bối cảnh hội nhập

(VOH) - Với 1.300 bệnh viện, khám chữa bệnh cho hơn 150 triệu người bệnh ngoại trú và 15 triệu người bệnh nội trú mỗi năm, có thể nói vấn đề đặt ra trong quản lý chất lượng và an toàn cho người bệnh là cần thiết hơn bao giờ hết.

Vừa qua, Bộ Y tế đã xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện cho các cơ sở khám chữa bệnh trên cơ sở cập nhật kinh nghiệm của quốc tế và phù hợp với điều kiện của Việt Nam, xây dựng kế hoạch quốc gia về cải tiến chất lượng lượng bệnh viện cũng như cải tiến chất lượng xét nghiệm, cải cách thủ tục hành chính giảm sự phiền hà với người bệnh, từng bước xây dựng hệ thống đánh giá và công nhận chất lượng bệnh viện độc lập…

Song song đó thì hoạt động quản lý bệnh viện cũng là nội dung quan trọng, đòi hỏi sự nâng chất, nâng tầm trong bối cảnh hội nhập y tế quốc tế.    

Quản lý bệnh viện là một công tác ngày càng được chú trọng vì sự liên quan mật thiết đến chất lượng điều trị bệnh. Bộ Y tế hướng đến nâng cao chất lượng khám chữa bệnh thì hoạt động quản lý bệnh viện đòi hỏi có sự bứt phá, nâng tầm và trên hết cần được xem là một ngành chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản.

Liên quan đến hoạt động quản lý tại các cơ sở y tế hiện nay cần có sự thay đổi như thế nào tiến đến chuẩn mực phù hợp, Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM có cuộc phỏng vấn PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng khám chữa bệnh – Bộ Y tế.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý chất lượng khám chữa bệnh - Bộ Y tế (thứ 3 từ trái sang) nhấn mạnh cần đào tạo nguồn nhân lực để chuyên tâm cho công tác quản lý, quản trị bệnh viện 

* VOH: Hiện nay, công tác quản lý bệnh viện được đánh giá như thế nào xét trên bình diện chung trong hệ thống các cơ sở y tế cả nước?

- PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong các hoạt động cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh thì quản lý bệnh viện là một trong những khâu then chốt giúp nâng chất lượng phục vụ người bệnh.

Bộ Y tế đưa ra khá nhiều tiêu chí hướng dẫn để giúp nâng cao hoạt động quản lý bệnh viện. Chúng ta vừa mới chuyển đổi từ sự tập trung bao cấp các hoạt động trong bệnh viện, thực sự trong công tác quản lý bệnh viện cũng có bước tiến dài nâng cao chất lượng.

Hiện nay chúng ta thấy trên toàn hệ thống từ bệnh viện tuyến huyện đến bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến Trung ương đã áp dụng bộ tiêu chí đánh giá chất lượng mà chúng ta lấy các điểm cơ bản từ tổ chức kiểm định, đánh giá chất lượng bệnh viện JCI.

Trong ngành y tế hiện nay cũng đang dần khắc phục, đổi mới rất nhiều từ việc làm sao để rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh cũng như phát triển các kỹ thuật cao trong ngành như ghép tạng, mổ tim hở, điều trị ung thư, tim mạch, phẫu thuật nội soi, kỹ thuật chụp MRI (Magnetic Resonance Imaging), CT (Computerized Tomography)... tất cả đều được đưa vào phục vụ đồng bộ để nâng cao chất lượng chuyên môn và quản trị bệnh viện.

* VOH: Việc nâng cao năng lực quản lý bệnh viện tiếp tục được thực hiện như thế nào thưa ông?

- PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Trong kế hoạch tới Bộ trưởng đã đưa ra nhiều hướng dẫn, các Vụ, Cục tham mưu cụ thể, thứ nhất là trong hệ thống bệnh viện phải có người lãnh đạo làm công tác quản trị bệnh viện, thứ hai là phải nâng cao năng lực quản lý cho các giám đốc bệnh viện, thứ ba là xây dựng các bộ tiêu chí kiểm tra, giám sát, thứ tư là tổ chức đào tạo, tập huấn. Hiện cũng đã thành lập 2 trung tâm đào tạo, quản lý ở phía Bắc và phía Nam, tổ chức được rất nhiều các lớp đào tạo. Thứ năm, tất cả các giám đốc bệnh viện trong thời gian tới không nhất thiết phải là giáo sư, thầy thuốc giỏi trong chuyên môn mà cần những người có kiến thức hiểu, biết sâu, giỏi về quản lý, quản trị và tổ chức điều hành hoạt động trong bệnh viện theo đúng tiêu chí Bộ Y tế đưa ra, phải thực sự hội nhập quốc tế, đáp ứng được chủ trương an toàn cho người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm và làm hài lòng người bệnh.

* VOH: Như vậy trong lộ trình nâng tầm quản lý bệnh viện tiến đến hội nhập với khu vực và quốc tế, theo ông, ngành y tế Việt Nam gặp những khó khăn gì?

- PGS.TS Lương Ngọc Khuê: Rất nhiều khó khăn, cơ chế tài chính của y tế Việt Nam còn khó khăn, chưa đổi mới kịp. Ở bệnh viện công, thu chưa đủ bù chi, thu thì 3, 4 chi thì 7, thực sự chưa cân đối được hoạt động trong bệnh viện.

Nguồn lực cho công tác quản lý vẫn chưa đáp ứng ngay được và vấn đề nữa là sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi có bệnh viện đóng cần có sự quan tâm tạo điều kiện, giúp cho cơ sở vật chất các bệnh viện để đáp ứng yêu cầu chuyên môn.

Thêm vào đó các kiến thức về chuyên môn cũng phải được đánh giá ngang bằng các kiến thức về quản trị như quản trị nhân sự, quản trị tài chính, quản trị trang thiết bị… để giúp cho bệnh viện phát triển dần đạt đến các tiêu chí đánh giá của JCI, nếu không bệnh viện cũng có từng khoa, từng phần đạt chuẩn JCI như các nước trong khu vực để chúng ta có những hoạt động đáp ứng được yêu cầu của người bệnh hiện nay.

* VOH: Cám ơn ông.