Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quản lý đất đai còn lỏng lẻo, lãng phí

(VOH) - Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn.

Tham gia thảo luận phiên sáng nay 31/10, Đại biểu Chau Chắc - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang đánh giá cao việc Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Theo ông, nhiều nơi trên cả nước thiếu đất sản xuất, nhưng tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm. Thực trạng quản lý đất đai, đường nông thôn, sông suối, đất bãi bồi sông ngòi ven biển ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, còn để bị lấn chiếm, thất thoát tài sản công, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Quản lý đất đai còn lỏng lẻo, lãng phí 1
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng,

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn. Đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.

Đại biểu Nguyễn Tạo nhấn mạnh theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí… Trong khi chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, như về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Ngoài ra, việc quản lý, sử dụng đất nông lâm trường; công ty nông lâm nghiệp cần phải được quan tâm hơn. Sau khi Quốc hội giám sát vấn đề này vào năm 2018, hiện nay tuy có chuyển biến nhất định nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc. Thực tế vẫn tiếp tục phát sinh khiếu nại, tố cáo, trong đó có những trường hợp khiếu khiếu kiện đông người liên quan đến đất nông lâm trường tại các địa phương. 

Bình luận