Chờ...

Quốc hội thảo luận một loạt dự án luật và Luật Điện lực sửa đổi

VOH - Ngày 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận các dự án luật quan trọng nhằm điều chỉnh nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trong đó nổi bật là Luật sửa đổi một số điều của Luật Điện lực, hướng tới đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng cam kết trung hòa carbon vào năm 2050.

Buổi sáng, các đại biểu tham gia thảo luận về các dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật như: Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng giải trình một số ý kiến của đại biểu để làm rõ những vấn đề được đề cập.

Cap dien EVN 2024
 

Buổi chiều, phiên làm việc chuyển sang thảo luận dự án Luật Điện lực sửa đổi. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày các nội dung chính của dự thảo, nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng cao của nền kinh tế và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi gồm 9 chương với 130 điều, kế thừa và chỉnh sửa 62 điều hiện hành, đồng thời bỏ 4 điều và gộp 4 điều vào các mục khác. Nội dung chính của dự thảo xoay quanh việc cấp phép hoạt động điện lực, thị trường điện, quy định mua bán và giá điện, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị và khách hàng sử dụng điện, bảo vệ công trình và đảm bảo an toàn điện.

Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung 68 điều mới, đề cập đến các chính sách thúc đẩy năng lượng tái tạo, bao gồm phát triển điện mặt trời và điện gió ngoài khơi, cũng như các nguồn năng lượng mới khác như hydrogen. Luật cũng đưa ra cơ chế mua bán điện trực tiếp, tiến tới xây dựng thị trường điện cạnh tranh, hạn chế các khoản bù chéo giá điện và phân chia giá điện đa thành phần.

Dự thảo nhấn mạnh vào quy hoạch phát triển điện lực, quy trình đấu thầu chủ đầu tư các dự án nguồn điện, và đặc biệt là phát triển các nhà máy điện khí và các dự án đối tác công tư (PPP) với loại hợp đồng xây dựng - vận hành - chuyển giao. Những điểm sửa đổi này được kỳ vọng sẽ giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện lực, cũng như đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế bền vững.

Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả tiết kiệm điện và cải thiện hệ thống pháp lý để hỗ trợ việc phát triển các dự án điện lực mới một cách an toàn và bền vững. Quốc hội dự kiến sẽ tiếp tục trao đổi để hoàn thiện dự thảo và tiến tới phê duyệt trong thời gian tới.