Chờ...

Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

(VOH) - Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp gồm 8 chương, 69 điều, so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều mới.

họp tại hội trường
Toàn cảnh phiên họp Quốc Hội

Dự thảo Luật xây dựng chương mới "Quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy" (Chương IV); về cai nghiện ma túy quy định cụ thể nội dung nhà nước và ngân sách nhà nước đảm bảo xây dựng cơ sở cai nghiện công lập và tổ chức cai nghiện bắt buộc; hỗ trợ một phần kinh phí cho người nghiện cai nghiện tự nguyện.

thao luận tại tổ

Thảo luận tại tổ vào chiều qua 12/11, đa số đại biểu đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Dự án Luật Phòng, chống ma túy và cho rằng việc bổ sung các nội dung “quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy”, “cai nghiện ma túy”, “quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy” vào Dự án luật là cần thiết để khắc phục những bất cập trong luật hiện hành.

Về phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật, một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nên cân nhắc việc bổ sung cụm từ “tội phạm” vào nội dung của Điều 1, nhằm tránh chồng chéo về phạm vi điều chỉnh giữa các văn bản quy phạm pháp luật, vì nhiệm vụ phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh tội phạm ma túy đã được quy định trong Bộ Luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Tổ chức các cơ quan điều tra và các văn bản luật khác.

Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu cũng cho rằng, một số quy định trong Dự án Luật phòng, chống ma túy còn mang tính chung chung, chưa đảm bảo tính khả thi. Điển hình như khoản 1, Điều 25 về trách nhiệm của người sử dụng trái phép chất ma túy: Tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của mình với cơ quan, tổ chức nơi làm việc hoặc Công an cấp xã nơi cư trú.

Dự Luật khuyến khích người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; khuyến khích thành lập cơ sở cai nghiện tư nhân. Các cá nhân, tổ chức đầu tư vào công tác cai nghiện được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; biện pháp cai nghiện tại cộng đồng, gia đình theo hướng giao cho cơ quan có chuyên môn thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác cai nghiện; bãi bỏ biện pháp quản lý sau cai để phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, thay biện pháp quản lý sau cai bằng công tác hỗ trợ xã hội sau cai nghiện và phòng, chống tái nghiện để khuyến khích, động viên người nghiện không tái nghiện.

Chiều nay, Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cư trú (sửa đổi); Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi); Luật Thỏa thuận quốc tế; Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2021; Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.