Quốc hội thông qua Luật Biên phòng Việt Nam

(VOH) - Chiều 11/11, Quốc hội xem xét về công tác nhân sự; thảo luận ở hội trường về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam;

Đồng thời biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam.

Thảo luận về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đa số ý kiến đại biểu nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Theo các đại biểu, việc thanh toán số vốn thuộc trách nhiệm của Ngân sách trung ương, do chưa bố trí đủ để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý đến ngày 31/12/2018 của Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) theo quy định của pháp luật là cần thiết để bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Về nguồn lực đảm bảo: Theo Tờ trình, trong dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã bố trí 2.500 tỷ đồng cho Ngân hàng phát triển Việt Nam nên đề xuất của Chính phủ không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước. Vì vậy, tán thành việc trình Quốc hội cho phép sử dụng 2.500 tỷ đồng để cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. Đồng thời, đề nghị việc thanh toán phải căn cứ vào số liệu được Kiểm toán nhà nước xác nhận.

Ảnh: quochoi.vn

Cũng trong chiều 11/11, Quốc hội xem xét về công tác nhân sự và biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam. Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương, 36 điều quy định các chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan tổ chức, cá nhân về biên phòng. Luật Luật Biên phòng Việt Nam được thông qua nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân vào sự nghiệp bảo vệ biên giới. Xây dựng lực lượng Bộ đội biên phòng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Tăng cường công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân hai bên biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển…

Trước đó, trong phiên thảo luận tổ về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ sáng cùng ngày, các đại biểu cho rằng những năm qua số người chết do tai nạn giam thông đã giảm nhưng mỗi năm vẫn có hơn 8 nghìn người chết do tai nạn giao thông. Hậu quả của tai nạn giao thông để lại rất nặng nề. Bên cạnh đó tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ diễn ra khá phổ biến; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông xây dựng công trình trái phép. Vì vậy, cần thiết phải tách ra làm hai luật. Đại biểu Ngô Minh Châu nêu ý kiến: "Ban biên soạn nghiên cứu kỹ để 2 luật này tạo nên sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết nhiều vấn đề. Đưa ra 2 luật này sẽ chuyên sâu hơn, 1 lĩnh vực về kinh tế kỹ thuật, 1 lĩnh vực về đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng làm sao 2 luật này không xung đột, phải gắn kết đảm bảo các mục tiêu: Thứ nhất giảm ùn tắc giao thông, thứ hai giảm tình trạng tai nạn giao thông…

Các đại biểu cho rằng, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ có những nội dung đặc thù, nên việc Quốc hội quyết định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số bộ, ngành liên quan trong dự thảo Luật này là phù hợp, nhưng cần phải quy định bảo đảm tính thống nhất, phù hợp với nội dung đặc thù và bảo đảm khả thi.

Về trách nhiệm quản lý về đào tạo, sát hạch, cấp giấp phép lái xe, Đại biểu Dương Ngọc Hải và đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, cần có sự nghiên kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho người dân và cải cách thủ tục hành chính, khi chuyển việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe từ Bộ Giao thông vận tải sang Bộ Công an. Góp ý về quy định tuần tra kiểm soát đảm bảo trật tự giao thông tại Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Dương Ngọc Hải nêu ý kiến: Tôi thấy có những vấn đề cần phải quy định trong điều luật này. Ví dụ như CSGT cũng sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí. Bên cạnh đó trong trường hợp đối tượng không chấp hành việc tạm dựng, xử phạt vi phạm hành chính thì chế tài như thế nào? Thẩm quyền của cảnh sát giao thông như thế nào? Chưa thấy có quy định. Đề nghị bổ sung thêm điều khoản này.

Theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, Luật Giao thông đường bộ cần tập trung chủ yếu vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật. Cần quy định tỷ lệ quỹ đất dành cho giao thông đường bộ trong đô thị, bởi thời gian do tỷ lệ quỹ đất giao thông đô thị so với đất xây dựng đô thị quá thấp, kể cả các đô thị xây dựng sau năm 2008 chưa tuân thủ quy định của Luật giao thông đường bộ năm 2008 để giảm tình trạng ùn tắc giao thông. "Phải có quỹ đất dành cho giao thông. Nếu không có, khi đường làm xong lại phát triển các trung tâm dịch vụ, rồi nhà ở, dẫn đến nhu cầu quá lớn về giao thông trong khi không có quỹ đất, dẫn đến tình trạng ùn tắc kẹt xe…Chúng ta cũng phải chấm dứt tình trạng đường mở ra nhà cửa mọc lên ở đó. Các địa phương đều muốn đường mở ra thì chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp sang thành đất ở để tăng thu cho địa phương. Mặc dù tăng thu về kinh tế nhưng lại dẫn đến hậu quả về ùn tắc giao thông", theo đại biểu Minh Đức.

Bình luận