Luật đã bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Sau hơn 3 năm thi hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật này cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi, bổ sung kịp thời… Sáng 26/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Toàn cảnh hội trường thảo luận Luật Tổ chức Quốc hội
Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Quảng Trị cho rằng, vấn đề quan trọng cốt lõi nhất là cần định vị địa vị pháp lý của đoàn Đại biểu Quốc hội. Theo đó, nhất thiết cần bổ sung, quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Đoàn Đại biểu Quốc hội. Cần phải xác định, đoàn đại biểu quốc hội là tổ chức đại diện cho quốc hội, là tổ chức của quốc hội, thực thi nhiệm vụ của quốc hội được giao tại địa phương. Trong thực tế, đoàn đại biểu quốc hội đã làm các nhiệm vụ như xây dựng pháp luật, tiếp dân, tiếp xúc cử tri, giám sát thi hành pháp Luật, tiếp nhận phản ánh và giải quyết đơn thư, kiến nghị của nhân dân; thảo luận về các quyết định quan trọng của quốc hội, chỉ đạo tổ chức hoạt động của văn phòng đoàn đại biểu quốc hội cùng một số nhiệm vụ khác. “Vậy, tại sao những vấn đề này không được cụ thể hóa vào Luật” Đại biểu Thắng hỏi.
Về thực hiện nhiệm vụ của đại biểu quốc hội, Đại biểu Quốc hội - Thạch Phước Bình - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị, cần bổ sung quy định về xử lý kỷ luật với Đại biểu Quốc hội và đại biểu dân cử nói chung, bổ sung quy định việc cho thôi, miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Đại biểu Quốc hội là cán bộ công chức bị xử lý kỷ luật theo quy định của Luật cán bộ công chức theo hướng: Nếu bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên thì bãi nhiệm. Theo đại biểu Bình cần bổ sung quy định về việc xử lý kỷ luật tương ứng với đại biểu quốc hội không phải là cán bộ công chức, bổ sung quy định nguyên tắc việc cho thôi hoặc miễn nhiệm áp dụng đối với trường hợp vì lý do sức khỏe hoặc điều trị bệnh dài hạn, có quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc điều động ra nước ngoài công tác dài hạn hoặc các lý do khác mà đại biểu quốc hội có đơn xin thôi. “Tôi đề nghị không áp dụng cho thôi hoặc miễn nhiệm đối với các trường hợp bị kỷ luật hoặc cảnh cáo trở lên”. Đại biểu Bình đề nghị.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Trước ý kiến đề nghị cân nhắc chuyển lĩnh vực tiền tệ ngân hàng từ Ủy ban kinh tế sang ủy ban tiền tệ ngân sách, mặc dù nội dung này không có trong dự thảo Luật nhưng được nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Đặng Thế Vinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị giữ nguyên lĩnh vực hoạt động của hai ủy ban này như hiện nay. Theo ông Vinh, mục đích của việc chia tách ủy ban kinh tế và ngân sách thành ủy ban kinh tế và ủy ban tài chính ngân sách là để hai ủy ban này chuyên sâu hơn. Đặc biệt, để ủy ban tài chính ngân sách tập trung vào giúp quốc hội thực hiện nhiệm vụ quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán ngân sách nhà nước và giám sát việc thực hiện. Thứ nữa, ủy ban kinh tế giúp quốc hội quyết định và giám sát thực hiện nhiệm vụ chính sách phát triển kinh tế xã hội, các chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó, chính sách tiền tệ, tín dụng giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định chính sách vĩ mô, phát triển kinh tế xã hội.
Kiến nghị thành lập đoàn kiểm tra toàn diện các trường quốc tế - (VOH) - Thành phố cần lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện, qua đó củng cố niềm tin phụ huynh học sinh, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.