Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tăng cường liên kết kinh tế vùng

(VOH) – Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sáng 7/1.

Về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng, đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng báo cáo Quy hoạch mới chỉ đề cập đến định hướng và các nội dung phát triển kinh tế - xã hội của nội vùng, chưa thể hiện được mối quan hệ giữa các vùng với nhau, chưa có định hướng cũng như những nội dung cụ thể liên kết vùng.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung các định hướng và các nội dung lớn về liên kết vùng, xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách hoàn chỉnh đồng bộ liên kết vùng.

Điều phối quản trị vùng nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển vùng để tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các dự án mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Về danh mục các dự án quan trọng quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện, đại biểu Nguyễn Quốc Luận đề nghị làm rõ cơ sở nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án. Đảm bảo các dự án đưa vào quy hoạch phải là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, có tác động lớn đến ngành vùng liên vùng.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tăng cường liên kết kinh tế vùng 1
Đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Đánh giá quy hoạch tổng thể quốc gia, đại biểu Lý Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhận định về định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mới chỉ nêu lên thế mạnh ngành hàng và khu vực kinh tế theo vùng, chưa chỉ rõ quy mô ở cấp độ nào để xác định được mức độ, nhu cầu đầu tư, thu hút đầu tư tương ứng.

Quy hoạch chưa chỉ ra được cụ thể các hình thức liên kết kinh tế vùng trên khía cạnh tổ chức sản xuất, làm cơ sở để các quy hoạch tỉnh lựa chọn mô hình phát triển phù hợp, tránh tình trạng phát triển tương tự nhau về cơ cấu kinh tế.

Góp ý dự thảo, đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho biết, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 không xác định vùng kinh tế trọng điểm mà xác định vùng động lực và hành lang kinh tế.

Quy hoạch tổng thể quốc gia: Tăng cường liên kết kinh tế vùng 2
Toàn cảnh buổi thảo luận về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh, hành lang kinh tế Đông Tây phía Bắc của vùng Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng đã kết nối với vùng động lực Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi rất vững vàng. Nhưng hành lang kinh tế Đông Tây ở phía Nam của vùng chưa được kết nối với vùng động lực của vùng trong giai đoạn này.

Vì vậy, để tăng cường kết nối vùng, đại biểu Lý Tiết Hạnh đề nghị bổ sung vùng ven biển Bình Định vào vùng động lực Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung.

Giải trình tại Hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các nội dung chi tiết về phân chia tiểu vùng trong các vùng, liên kết nội vùng, định hướng phát triển cụ thể của từng ngành, từng tỉnh sẽ được quy hoạch cụ thể hóa ở các quy hoạch cấp thấp hơn để tránh sự trùng lắp và chồng chéo về nội dung của các quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, về hình thành và phát triển các vùng động lực dựa trên cơ sở các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay để lựa chọn một số địa bàn có vị trí, điều kiện thuận lợi nhất có cảng biển, cảng hàng không quốc tế, khu kinh tế ven biển, tiềm lực về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao được kết nối với các cửa khẩu quốc tế …sẽ xác định là 4 vùng động lực, sau đó có 4 cực tăng trưởng.