Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng thủ dân sự, trong đó có nội dung thành lập Quỹ phòng thủ dân sự.
Quỹ phòng thủ dân sự do còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hai phương án xin ý kiến.
Phương án 1: giữ quy định về quỹ như dự thảo Chính phủ trình và có chỉnh lý một số nội dung cho phù hợp như dự thảo luật.
Phương án 2 quy định trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Quỹ phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa.
Nêu ý kiến về nội dung, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhấn mạnh nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự quy định phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa đã nói lên sự cần thiết phải chuẩn bị trước các nguồn lực. Tuy nhiên đại biểu cũng lưu ý đến công tác quản lý quỹ để đảm bảo hiệu quả và không để thất thoát.
Đại biểu Trần Văn Tiến đồng tình với phương án cần thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1, để kịp thời có nguồn kinh phí nhằm khắc phục ngay khi thảm họa sự cố xảy ra, tránh tình trạng phải chờ Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ trong trường hợp cấp bách như phương án 2.
Cũng nhất trí với việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự như phương án 1, đại biểu Hà Thọ Bình (đoàn Hà Tĩnh) cho biết hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia.
Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết dự án luật đã đưa ra hai phương án.
Chính phủ chọn phương án 1 thành lập quỹ ngay trước khi xảy ra các vụ việc, sự cố. Ý kiến của các đại biểu Quốc hội ở cả ba miền đã tương đối thống nhất, đồng thuận.
Đại tướng Phan Văn Giang dẫn chứng giai đoạn dịch Covid-19, qua kinh nghiệm rút ra từ đó nếu không có lực lượng, nguồn lực dự trữ đặc biệt về vốn, sẽ không thể ứng phó kịp, xử lý tốt, giải quyết nhanh các sự cố xảy đến.
Đại tướng cho rằng Quỹ cần có trước, chuẩn bị từ sớm, từ xa để chủ động trong mọi tình huống. Theo Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự sẽ giao Bộ Tài chính quản lý như Quỹ vaccine Covid-19.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thống kê trong 16 ý kiến phát biểu, có 13 ý kiến đồng ý thành lập quỹ phòng thủ dân sự như đề xuất của Chính phủ.