Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần huy động hợp tác công - tư trong phòng thủ dân sự

(VOH) - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phòng thủ dân sự phải từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra sự cố. Đặc biệt, cần huy động hợp tác công - tư trong phòng thủ dân sự.

Chiều 10/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia (Ban Chỉ đạo) chủ trì Phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo để tổng kết công tác năm 2022 và những tháng đầu năm 2023; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, thời gian qua, tình hình thế giới, khu vực và trong nước diễn biến phức tạp. Đại dịch Covid-19 gây hậu quả nghiêm trọng. Biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về người tài sản. Kinh tế - xã hội trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động từ bên ngoài ảnh hưởng tiêu cực. Bối cảnh đó phát sinh nhiều thách thức đối với nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Theo Thủ tướng, công tác phòng thủ dân sự phải chủ động, chuẩn bị từ sớm, từ xa, từ trước khi xảy ra thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” kết hợp với chi viện, hỗ trợ của Trung ương, các địa phương và cộng đồng quốc tế; tăng cường hợp tác quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; tuân thủ các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thủ tướng nhắc nhở: "Chiến lược phòng thủ dân sự phải gắn với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, vùng, ngành, địa phương. Công trình phòng thủ dân sự phải chú trọng tính lưỡng dụng".

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần huy động hợp tác công - tư trong phòng thủ dân sự 1
Thủ tướng yêu cầu tập trung hoàn thiện Chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự (Ảnh: VGP)

Đọc thêm: Đề nghị bổ sung các hành vi cấm trong luật Phòng thủ dân sự

Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo các cấp hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch phòng thủ dân sự, ứng phó với thảm họa, sự cố và nhiệm vụ phòng thủ dân sự năm 2023 sát với thực tiễn; rà soát, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách để huy động nguồn lực tham gia, thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công - tư trong công tác phòng thủ dân sự.

Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ, trong khi nguồn lực Nhà nước còn có hạn, cần huy động hợp tác công - tư trong phòng thủ dân sự, trên nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; nếu thiên lệch, không cân bằng, hài hòa lợi ích, khó có thể thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ giao các Bộ, Ngành tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào phòng, chống thiên tai, quản lý rủi ro thiên tai, xây dựng hệ thống thông tin về phòng, chống thiên tai; rà soát phương án điều động, chi viện lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống cháy nổ, thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn; xử lý nghiêm vi phạm trong ứng phó, khắc phục với các sự cố, thiên tai, dịch bệnh…

Theo thống kê từ 1/1/2022 đến 28/2/2023, Việt Nam đã xảy ra gần 8.000 vụ thiên tai, sự cố, gây thiệt hại lớn về người; riêng thiệt hại vật chất do thiên tai khoảng 5.065 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, đã huy động hàng trăm nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ, gần 22.000 lượt phương tiện tham gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; xử lý hiệu quả 5.378 vụ, cứu được 5.385 người và 342 phương tiện; hướng dẫn hơn 480.000 lượt tàu thuyền với gần 2,3 triệu lượt người di chuyển tránh trú bão, áp thấp nhiệt đới, tổ chức di dời trên 32.000 hộ dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm...

Bình luận