Sẽ có 2 nhóm trong diện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức - quản lý

VOH - Hoạt động nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 25, sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023.”

Dự thảo Kế hoạch giám sát của Đoàn giám sát về nội dung trên sẽ đánh giá việc thể chế hóa chủ trương của Đảng, hoàn thiện pháp luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 25/10/2017.

Sẽ có 2 nhóm trong diện giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức - quản lý 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại cuộc họp sáng 18/8 - Nguồn: TTXVN

Dự thảo cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy các kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được; hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Việc đánh giá tập trung vào một số nội dung như sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý biên chế; hoàn thiện cơ chế tài chính, thực hiện cơ chế tự chủ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập...

Đối tượng giám sát được chia làm 2 nhóm.

Nhóm 1 - Nhóm các cơ quan chịu sự giám sát là nhóm trọng tâm, bao gồm: Chính phủ; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố  trực thuộc trung ương.

Nhóm 2 - Nhóm các cơ quan tổ chức có liên quan, gồm: các cơ quan Đảng ở Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị-xã hội.

Đoàn giám sát đã xây dựng 4 nhóm dự thảo Đề cương báo cáo để định hướng cho việc tổ chức giám sát, xây dựng báo cáo của Đoàn giám sát và làm cơ sở cho các đối tượng giám sát, các cơ quan, tổ chức có liên quan.

Bình luận