Chờ...

Sẽ hỗ trợ lao động giảm, mất việc 1-3 triệu đồng trước Tết Nguyên đán

(VOH) - Công đoàn dự kiến sẽ hỗ trợ tiền mặt cho lao động bị giảm việc, mất việc trong các doanh nghiệp khó khăn. Gói hỗ trợ sẽ được thực hiện trước Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng 3/2023.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 68 (gói 26.000 tỷ đồng) ngày 26/12.

Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, gói hỗ trợ từ tài chính công đoàn (khoảng 300 tỷ đồng) được đưa ra trong bối cảnh gần 483.000 lao động bị giảm việc, giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng trong 1.240 doanh nghiệp tại 44 tỉnh thành.

Công đoàn dự kiến hơn 100.000 lao động bị ảnh hưởng mà lương tháng thấp hơn lương tối thiểu vùng sẽ được hỗ trợ, mức 1-3 triệu đồng mỗi người và chỉ nhận hỗ trợ một lần.

tổng kết Nghị quyết 68
Bộ LĐTB&XH tổ chức hội nghị tổng kết Nghị quyết 68 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (Ảnh: VGP)

Nếu được phê duyệt, người bị giảm việc, giảm giờ làm hưởng 1 triệu đồng mỗi người; lao động chấm dứt hợp đồng nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nhận 2 triệu đồng và công nhân chấm dứt hợp đồng nhưng chưa tìm được việc làm mới được hỗ trợ 3 triệu đồng.

Ông Phan Văn Anh cho hay, công đoàn đang bàn thảo thêm một số điều kiện thụ hưởng song sẽ tinh giản hết mức để tiền nhanh đến tay lao động.

Danh sách lao động khó khăn giao công đoàn cơ sở lập và làm việc thêm với cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác định bảng lương, thu nhập của người được hỗ trợ trước khi mất việc. Sau khi Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn phê duyệt, gói hỗ trợ sẽ được thực hiện.

Trước đó, Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhiều địa phương kiến nghị tiếp tục thực hiện một số chính sách trong gói 26.000 tỷ  đồng (được ban hành tháng 7/2021) khi cuối năm khó ban hành gói mới. Song Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng không thể kéo dài bởi đã hết hạn và các nhóm hỗ trợ là lao động, doanh nghiệp trong đại dịch.

Sau một năm thực hiện Nghị quyết 68, gần 36,5 triệu lao động, người dân với 394.000 đơn vị sử dụng lao động và hơn 508.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ với tổng kinh phí 45.600 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa.